Tai nạn do a-xít tuy ít xảy ra hơn nhưng hậu quả để lại thì đẫm lệ vô cùng. Cẩn tắc vô ưu, bạn nên biết làm gì khi bị tạt a xít để biết cách ứng phó kịp thời nếu chẳng may một ngày đẹp trời, bạn vô tình bị tạt a-xít.
Sao phải sơ cứu trước mà không đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay?
♦ A-xít có khả năng tàn phá cực kì nhanh. Do đó, việc đầu tiên để cứu nạn nhân là loại bỏ a-xít ra khỏi các vùng da bị ảnh hưởng.
♦ Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với a-xít. 5 phút đầu tiên là khoảng thời gian quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân cũng như hạn chế những biến chứng do a-xít gây ra.
Phương tiện sơ cứu là gì?
♦ Việc cần làm TRƯỚC khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu là dùng NƯỚC SẠCH để rửa trôi a-xít ra khỏi vùng da bị tiếp xúc.
Dùng nước để sơ cứu như thế nào?
♦ Làm gì khi bị tạt a xít toàn thân? Tốt nhất là hãy đứng dưới vòi sen để a-xít được nước rửa trôi đi. Nếu không có vòi sen, hãy dùng thau hoặc xô đựng nước để dội từ trên xuống. Nên sơ cứu bằng nước ở nhiệt độ thường, không nóng, không lạnh.
♦ Nếu chỉ có một phần cơ thể (tay, chân…) tiếp xúc với a-xít thì chỉ đưa trực tiếp phần đó vào vòi nước, không tắm toàn thân vì như thế a-xít sẽ chảy loang đến những vùng da không bị ảnh hưởng.
♦ Khi rửa, không được kì cọ gây bong da.
♦ Không ngâm lâu trong nước vì a-xít hòa chung với nước sẽ gây tổn thương nhiều hơn.
♦ Trên đường đến bệnh viện, tiếp tục xối nước vào vết thương để rửa nếu có thể.
Cần rửa với nước sạch bao lâu?
♦ Ít nhất là 20 – 30 phút.
♦ Xối nước lên những vùng da tiếp xúc trực tiếp với a-xít càng lâu càng tốt.
Có nên cởi bỏ quần áo dính a-xít khỏi người nạn nhân không?
♦ Nếu nạn nhân không kịp cởi bỏ quần áo, trang sức ngay từ đầu, hãy dùng kéo cắt bỏ nhẹ nhàng trong khi xối nước để rửa a-xít.
♦ Không cởi hoặc xé mạnh quần áo trên người nạn nhân vì da có thể bị lột theo.
♦ Không dùng tay không để tiếp xúc với quần áo dính a-xít.
♦ Dùng quần áo sạch hoặc băng gạc để che chắn vết bỏng, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Làm gì nếu a-xít bắn vào mắt?
♦ Nghiêng mặt và đưa mắt thẳng vào vòi nước hoặc chớp mắt trong thau nước sạch.
♦ Đưa mắt lên xuống, qua lại khi tiếp xúc với nước để a-xít dễ chảy ra ngoài.
♦ Nếu a-xít chỉ bắn vào một bên mắt thì nhắm mắt còn lại, nghiêng đầu để nước chảy một bên mắt bị dính mà thôi. Tránh cho nước cùng với a-xít chảy vào tai.
♦ Tuyệt đối không dụi mắt, vì có thể gây tổn thương nhiều hơn cho mắt.
♦ Nếu mang kính sát tròng, phải tìm cách lấy ra ngay. Thông thường, khi xối nước như vậy, kính áp tròng sẽ tự rớt ra.
♦ Không được dùng bất cứ thuốc gì nhỏ vào mắt trừ khi có sự đồng ý của bác sỹ.
Những điều tuyệt đối KHÔNG
♦ Không dùng ô-xy già để tiệt trùng vết thương vì đây là vết thương hở nên có thể gây tổn thương các tế bào (để lại sẹo).
♦ Không bôi kem đánh răng, trà, thuốc lá… trên các vết thương vì chúng sẽ gây ra nhiều phản ứng hóa học làm bệnh nhân thêm đau đớn và gây nhiễm trùng.
Đây là những gì mà Ny đã thu thập được từ quá trình học tập và công tác trong lĩnh vực y tế. Ny chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình ngồi viết bài hướng dẫn sơ cứu khi bị tạt a-xít. Nhưng trước những vụ tạt a-xít kinh hoàng chỉ vì thù hằn cá nhân gần đây, Ny nhận thấy đây là điều mình cần phải làm. Với Ny, giữ được thiện tâm vẫn quan trọng hơn khắc phục hậu quả đau lòng chỉ vì một phút đánh mất cái thiện giữa con người với nhau như thế này.
Bài: Huyền Ny
Mục Huyền Ny chia sẻ / Tiếp Thị Gia Đình