Lý giải nguyên nhân mơ thấy bước hụt chân khi ngủ

Bạn thắc mắc vì sao mình hay có cảm giác bước hụt chân khi ngủ ? Không phải đơn giản là mơ đâu, hiện tượng đó được lí giải khoa học hẳn hỏi đấy

Bước hụt chân khi ngủ là một trong những giấc mơ thường gặp và hay xuất hiện mỗi khi ta bắt đầu chìm dần vào giấc ngủ. “Kịch bản” thường thấy trong những giấc mơ này là bạn đang đi bước xuống cầu thang, bỗng dưng bị hụt chân, hoặc có cảm giác rơi tự do khiến bạn bị giật mình thức giấc.

Hiện tượng trên được các nhà khoa học gọi tên là “hypnic Jerk” – hiểu đơn giản là cơ bắp bị co giật trong khi ngủ.

Lí giải mơ thấy bước hụt chân khi ngủ

“Hypnic Jerk” hay còn gọi là “myoclonic jerk”, là hiện tượng mà cơ bắp bị co giật trong lúc ngủ. Mặc dù cơ bị co giật xảy ra trên toàn cơ thể nhưng ta thường chỉ có cảm giác rõ rệt đối với cơ chân.

Lí giải hiện tượng trên, các nhà khoa học đưa ra rất nhiều nguyên nhân. Một trong những số đó là do não bộ không nhận thức được cơ thể bạn đang ngủ. Trong khi ngủ, hơi thở và nhịp tim của bạn chậm lại, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, cơ bắp được thả lỏng để nghỉ ngơi. Điều này khiến não bộ hiểu sai, cho rằng cơ thể đang rơi và nhanh chóng phát tín hiệu co cơ bắp để cơ thể cân bằng, khiến bạn giật mình và thức giấc.

Hiện tượng mơ thấy hụt chân khi ngủ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi, hoặc chịu nhiều căng thẳng, áp lực. Các nhà khoa học cho rằng đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và vô hại đối với cơ thể.

Tuy nhiên, đối với một số người có thể trạng không tốt, cảm giác hụt chân khi ngủ sẽ khiến họ giật mình và cảm thấy vô cùng lo lắng, hoảng sợ. Nếu điều này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, khiến bạn ngủ không sâu, không thể ngủ được sau khi giật mình. Thậm chí về lâu dài có thể khiến bạn mất ngủ liên tục. Vì thế, nếu tình trạng có chiều hướng xấu đi, đến gặp bác sĩ sẽ là lựa chọn tốt dành cho bạn.

Để giấc mơ hụt chân không còn ám ảnh bạn

hut chan khi ngu hinh anh 1

Nồng độ caffeine cao hoặc làm việc căng thẳng vào buổi tối sẽ khiến bạn ngủ không sâu và rất dễ bị giật mình. Vì thế, để có giấc ngủ sâu, bạn nên cắt giảm lượng caffeine, giải tỏa căng thẳng trước khi ngủ bằng những bài tập thư giãn cơ bản.

Ngoài ra, xây dựng giấc ngủ lành mạnh, đảm bảo không gian ngủ sạch sẽ, yên tĩnh và hạn chế ánh sáng sẽ giúp bạn cải thiện giấc ngủ một cách rõ rệt.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng đối với giấc ngủ. Các chuyên gia cho rằng, nếu cơ thể thiếu các chất như magie, canxi, sắt sẽ có nguy cơ đối mặt với những giấc mơ hụt chân nhiều hơn.

Vì thế, bên cạnh việc vệ sinh giấc ngủ thì quan tâm đến khẩu phần ăn của mình cũng là một điều quan trọng nếu như bạn muốn có một giấc ngủ ngon lành và tràn đầy năng lượng sau khi thức giấc.

Bài và ảnh: Hà Ngô theo Iflscience

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua