Hôm qua (19−7), Trung tâm Y tế dự phòng Lâm Đồng cho biết dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, thành phố Bảo Lộc có 188 trường hợp, huyện Bảo Lâm có 35 trường hợp và huyện Cát Tiên là 56 trường hợp nhiễm bệnh.
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến và có diễn biến phức tạp khi có chỉ số lăng quăng đang ở mức rất cao. Khi có thông tin dịch sốt xuất huyết bùng phát, các cơ quan y tế tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành phun hóa chất ở 15 ổ dịch lần lượt 2 lần/ổ, trong vòng bán kính 200m xung quanh nhà bệnh nhân và xử lý loại bỏ lăng quăng ở 11 ổ dịch.
Sốt xuất huyết là bệnh dịch nguy hiểm. Tốc độc lây lan bệnh phụ thuộc vào số lượng muỗi truyền bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là gây tử vong.
Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt cao liên tục 3−4 ngày, đau nhức toàn thân và hố mắt, có thể bị nôn và tiêu chảy. Sau 2−3 ngày sốt cao khó hạ, người bệnh bắt đầu xuất hiện các nốt xung huyết trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, chân tay lạnh… Từ ngày thứ 3 trở đi bệnh tiến triển nặng, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ có diễn biến xấu bởi sốc hoặc do tổn thương các cơ quan khác.
Cách đơn giản nhất để phân biệt sốt xuất huyết
Để phân biệt sốt xuất huyết dùng hai ngón tay cái và ngón tay trỏ căng vùng da có nốt ban đỏ nổi lên khi bị sốt. Nếu nốt đỏ mất đi và hồi phục ngay sau khi bạn buông tay ra, thì đó là sốt phát ban. Ngược lại, khi dùng cách tương tự mà chấm li ti vẫn không biến mất hoặc màu đỏ lại xuất hiện sau 2 giây thì đó có thể là dấu hiêụ của bệnh sốt xuất huyết.
Những lưu ý khi đang có dịch sốt xuất huyết:
Bên cạnh các biện pháp vệ sinh nhà cửa để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi trú ẩn, bạn nên ngủ màn kể cả ban ngày, tăng cường đề kháng… ngoài ra cần chú ý các vấn đề sau khi có dịch sốt xuất huyết:
– Thận trọng khi dùng thuốc hạ nhiệt trong lúc bị sốt, tốt nhất nên chọn loại đơn chất như paracetamol, kết hợp chườm mát khu vực trán, nách và bẹn…
– Khi thấy người bệnh đỡ sốt cao, vô cùng thận trọng nếu vẫn dùng thuốc hạ nhiệt sẽ gây nguy hiểm.
– Bù nước và chất điện giải cho người bệnh bằng cách dùng dịch oresol. Tuyệt đối không tùy tiện cho thêm hoặc bớt lượng nước cần pha so với chỉ dẫn, bổ sung thêm nước trái cây như cam, chanh, nước ép hoa quả…
– Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường như chân tay lạnh, da lạnh ẩm, bứt rứt, đau bụng, tiểu ít.. nên đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình