Tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV không an toàn?

Trước thông tin về việc tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Nhiều phụ nữ đứng ngồi không yên vì đã từng chích ngừa loại vacxin này. Tuy nhiên sự thật là gì?

Vừa qua, cái chết của cô bé Shazel Zaman 13 tuổi tại Anh nghi vấn do tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV một lần nữa lại làm dấy lên sự lo ngại về tính an toàn của loại vắc xin này. Nhiều vụ việc có liên quan trước đó cũng đã khiến nhiều người đòi chấm dứt chương trình miễn dịch quốc gia này ở nước Anh.

Trong khi đó một số nguồn tin trong nước đưa tin rằng hàng ngàn phụ nữ Mỹ hối hận vì đã tiêm vacxin HPV. Các nguồn tin cũng đưa ra con số thống kê cho thấy tại Mỹ có hơn 35.000 trường hợp bị phản ứng phụ khi tiêm chủng ngừa HPV trong đó có 200 trường hợp tử vong được báo cáo cho chính phủ Mỹ vào tháng 3/2015. Chỉ tính đến tháng 3/2013, Mỹ đã phải chi 6 triệu Đô-la Mỹ để bồi thường cho 49 nạn nhân tử vong do tiêm vacxin HPV.

Cũng theo các nguồn tin này, vacxin HPV gây ra quá nhiều những phản ứng nguy hiểm như: động kinh, đột quỵ, đau bụng, đau đầu, đau cơ, ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt, ngất xỉu, buồn nôn, mắt mờ, nghe kém hoặc mất thính lực tạm thời…

Lần theo nguồn tin, Tiếp Thị Gia Đình tìm ra một số thông tin tương tự được đăng tải trên một số trang tin quốc tế trong đó có cả The Washingtontimes nhưng được đăng từ tháng 12 năm 2014. Dù số liệu và ngày đăng khá cũ nhưng những thông tin này cũng đủ làm nhiều người đã chích ngừa cho con cái cũng như đang chích ngừa loại vacxin HPV này phải hoang mang.

CHUYÊN GIA VÀ BÁC SĨ NÓI GÌ?

Liên hệ với Tiến sỹ Dược Nguyễn Huyền Ny đang định cư tại Mỹ, cô cho biết rất ngạc nhiên trước những thông tin này. Huyền Ny đã trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa tại Mỹ và khẳng định thông tin này là không chính xác.

Cô cũng cho biết, đến tận tháng 7 năm 2016, ở Mỹ vẫn vô cùng yên ắng và không có bất kỳ một sự thay đổi nào về việc tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV theo chỉ định và hướng dẫn của Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ cùng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC-Center for Disease Control and Prevention), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA-Food and Drug Administration).

Loại vacxin này vẫn đang được khuyến khích sử dụng trên toàn Hoa Kỳ và có khả năng bảo vệ tiền ung thư gần như 100%. Cũng theo Huyền Ny, các vấn đề ảnh hưởng đến an toàn của con người luôn được đặt lên hàng đầu tại Mỹ và cũng luôn tiên phong trước bất cứ một quốc gia nào khác. Vì vậy nếu vấn đề xảy ra, chính phủ Mỹ sẽ rút về và không cho sử dụng. Thuốc hay bất cứ loại vắc xin nào được đưa ra thị trường đều được kiểm duyệt rất chặt chẽ và an toàn dường như tuyệt đối. Đặc biệt hơn nữa, chính phủ làm việc với tất cả các văn phòng bác sỹ, dược sỹ để kiểm soát và xử lý kịp thời những trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu, phản ứng khác lạ với thuốc hoặc vacxin.

Tiến sỹ Dược Nguyễn Huyền Ny cũng khuyên rằng vacxin HPV nên được tiêm cho các bé trai và gái ở độ tuổi từ 11-12. Những ai chưa được tiêm khi còn nhỏ vẫn có thể tiêm cho đến 26 tuổi đối với nữ và 21 tuổi đối với nam. Ngoài ra, nam đồng tính hoặc quan hệ tình dục với cả hai giới tính (gay or bisexual) thì nên được tiêm vacxin cho đến tuổi 26.

Bên cạnh việc tiêm vaccine HPV, để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lây lan qua đường tình dục bạn cần:

• Khám bác sỹ phụ khoa mỗi năm 1 lần để được làm pap smears (1 phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung) và làm test để biết được sự xuất hiện của những vi khuẩn có thể lây lan và gây bệnh qua đường tình dục.
• Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên vi khuẩn vẫn xâm nhập vào cơ thể ở những nơi không sử dụng bao cao su như miệng hay đôi khi là hậu môn.

tiem vacxin ngua ung thu co tu cung hinh anh 1

Tiến sỹ Dược – Nguyễn Huyền Ny, Đại học University of Nebraska Medical Center

Nếu chưa rõ về vacxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV bạn có thể đọc thêm bài viết “Những điều cần biết khi tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV” của Tiến sỹ Dược Nguyễn Huyền Ny.

Bài: Nguyễn Duyên

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua