Khi tôi mang thai được hơn một tháng, anh công khai bồ bịch. Khi tôi hỏi: “Anh đi đâu hoài vậy?”, anh nói thẳng: “Chán cái mặt mày thì tao đi tìm niềm vui”, tôi vẫn cam chịu vì nghĩ, đứa con ra đời sẽ đánh thức anh khỏi cơn mê. Bởi thế, dù phải bắt xe buýt một mình đi khám thai trong khi anh lo cà-phê với bồ, tôi vẫn cắn răng chịu đựng, mong mỏi từng ngày con chào đời, gia đình sẽ sang trang mới!
Con trai chào đời và anh vẫn bồ bịch, phó mặc con cho tôi. 18 tháng tuổi, con bám đòi ba ẵm, ba nghe theo tiếng eo éo của cô gái nào đó trong điện thoại, đạp hai mẹ con ngã chúi xuống đất, rồi bước đi. Có lần, con sốt cao đến mức co giật, anh bận chở người đàn bà khác đi gội đầu, mặc cho hai mẹ con lếch thếch đi xe buýt vào bệnh viện.
Làm mẹ đơn thân cực trăm bề
Anh làm phụ hồ. Mấy năm làm chồng, trách nhiệm duy nhất của anh là mỗi tháng quăng cho tôi 4 triệu đồng để tôi lo tất tần tật cho gia đình, con cái và cả anh. Tôi như người đàn bà góa bên cạnh chồng. Con tôi giống đứa trẻ mồ côi khi cha nó còn sống sờ sờ! Đau khổ không chịu nổi, tôi lên mạng tìm hiểu về chuyện ly hôn và làm mẹ đơn thân. Rất nhiều bài viết, tấm gương nói rằng “đời lên tiên khi bỏ chồng”. Để bảo vệ con, người phụ nữ sẽ bộc lộ nghị lực và sự dũng cảm phi thường để vượt qua mọi thử thách. Tin vào chừng đó thứ, tôi quyết định làm mẹ đơn thân khi vừa mới xin được việc dạy học, lương tháng 4 triệu đồng, thuê nhà ở và không có bất cứ người thân nào ở Sài Gòn hỗ trợ.
Thực tế, cuộc sống làm mẹ đơn thân không đơn giản như các bài viết kia. Tôi làm giáo viên ngữ văn, dạy sáng, trưa, chiều, tối… liên tục để kiếm tiền nuôi con, trả tiền thuê nhà, điện nước. Bố mẹ ở quê xa, già yếu cả rồi. Bữa cơm nào tôi cũng chỉ dám ăn với rau muống luộc. Tội nhất là con. Khi con mới 20 tháng tuổi, tôi phải khóa trái cửa, chạy đi dạy thêm ban đêm, vừa kèm con người ta vừa thấm thót nhìn đồng hồ. Thời gian trôi chậm kinh khủng. Khi về, tôi thấy con khóc vì sợ và đói đến nỗi mặt tái xanh. Muỗi cắn chi chít trên người con. Hai hôm sau, con bị sốt xuất huyết. Mẹ và con lại rồng rắn đi vay tiền, vào nằm viện.
Lúc đầu bước đi, với tính tiết kiệm và chăm chỉ sẵn có của mình, tôi nghĩ mình sẽ thừa sức nuôi con. Song tôi không nghĩ rằng tiền con vào bệnh viện nhiều gấp bội lần tiền lo cho con ngày ba bữa ăn no bụng. Rồi cơ quan lại giảm biên chế, tôi chỉ dạy hợp đồng nên là người lên đường đầu tiên. Có những tháng tôi sống trong trạng thái ngày mai không biết lấy tiền đâu mua sữa cho con. Đó là lúc tôi phải từ bỏ sĩ diện, gọi điện năn nỉ chồng gửi tiền trợ cấp, dù trước đó từng tuyên bố: “Không có anh, tôi và con vẫn sống tốt”.
Tôi nhìn con ngủ, xương ức trồi lên gầy gò thấy thương. Con cũng đã 6 tuổi mà chưa từng được về ngoại, nói gì đến du lịch. Bao nhiêu đêm tôi dằn vặt vì mình đã kéo con vào cuộc sống quá thiệt thòi. Nói như vậy không phải tôi khuyên mọi người đừng ly hôn, ráng cam chịu dù bị chồng tra tấn về thể xác cũng như tâm hồn, nhưng ít nhất hắn ta cũng mang tiền về cho bạn nuôi con. Không. Với đàn ông vô trách nhiệm, ly hôn là tất yếu. Quan trọng là ly hôn lúc nào, bạn đã đủ điều kiện chưa?
Nếu được chọn lựa lại, tôi sẽ không làm mẹ đơn thân khi:
√ Con còn quá nhỏ, chưa được 6 tuổi.
√ Chưa có công việc ổn định và lâu dài.
√ Chưa thiết lập được người giúp đỡ quanh mình.
Làm mẹ đơn thân kinh khủng lắm! Chỉ làm khi, bất đắc dĩ thôi, bạn nhé!
Bài: Ngọc Nguyễn
Mục Tình yêu & Hôn nhân / Tiếp Thị Gia Đình