Giật mình với những lợi ích và tác hại của việc ăn cay

Bạn đã thử đến cấp độ mấy của món mì cay đang “làm mưa làm gió” gần đây? Vị cay làm bạn thỏa mãn vị giác hay phải gắng gồng chịu đựng? Lợi ích và tác hại của việc ăn cay là gì?

Người châu Á thường ăn cay tốt hơn so với người dân các nước phương Tây. Không chỉ vậy, họ còn rất thích thách thức nhau để so tài ai ăn cay hơn ai trên mọi bàn tiệc. Nhưng ít ai biết rằng, tác hại của việc ăn cay đến sức khỏe là rất lớn nếu người ăn không biết tiết chế.

Ăn cay có thể sống lâu…

Tăng tuổi thọ: Kết quả một nghiên cứu năm 2015 thực hiện trên hơn nửa triệu người Trung Quốc trong vòng 7 năm cho thấy những người ăn thức ăn nhiều gia vị (nhất là ăn cay) khoảng 6 lần/tuần có thể giảm nguy cơ tử vong đến 14% và 10% nếu chỉ ăn cay 2 ngày/tuần.

Giảm cân: Ớt cay giúp giảm sự thèm ăn và thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Purdue cho thấy mọi người mãn nguyện hơn sau khi ăn thức ăn cay. Còn nghiên cứu trước đó nữa cho thấy mọi người ăn ít chất béo hơn sau khi ăn nhiều ớt. Một số dữ liệu cho thấy capsaicin (chất khiến bạn cảm thấy nóng rát khi ăn cay) có khả năng đốt cháy calorie. Cảm giác cay nồng trong miệng cũng giúp bạn ăn chậm và tiêu thụ ít thức ăn hơn.

Giảm đau, giảm viêm: Capsaicin còn được chứng minh giúp kích thích sự tiết ra chất endorphins (một chất giảm đau) của cơ thể. Nhiều dữ liệu cho thấy capsaicin còn hỗ trợ cơ thể tự miễn dịch trước nhiều bệnh, ví dụ như bệnh viêm khớp dạng thấp.

Kháng khuẩn: Các nghiên cứu cũng cho thấy chất capsaicin có tác dụng kháng khuẩn, thậm chí kháng nấm. Một nghiên cứu được thực hiện năm 1998 cho thấy chất này có thể ức chế và tiêu diệt đến 75% các loại vi khuẩn trong thực phẩm. Đây là lý do tại sao ớt từng được dùng như một chất bảo quản thực phẩm tự nhiên, an toàn và hiệu quả trong quá khứ.

… Và tác hại của việc ăn cay khiến bạn giật mình

tac hai cua viec an cay hinh anh 2

Bỏng miệng, cháy lưỡi: Tác hại của việc ăn cay không chỉ khiến miệng bạn bỏng rát mà còn làm cháy các nụ vị giác trên lưỡi. Dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng bạn có thể dùng sữa tươi (tốt nhất là sữa tươi nguyên chất) để làm dịu cảm giác khó chịu.

Loãng máu: Tuy không phải là vấn đề nghiêm trọng với đại đa số nhưng tác dụng này của ớt lại là tin vui cho những ai có vấn đề về huyết khối. Song, nếu đang dùng các loại thuốc dễ làm loãng máu như Warfarin, ăn nhiều ớt sẽ gây hại cho sức khỏe hơn vì máu bị loãng quá mức.

Mắt mũi nhễu nhão, mồ hôi nhễ nhại: Nhiều món ăn nếu không cay sẽ mất ngon. Song, cơ thể lại xem capsaicin như một chất gây tổn thương cần được tẩy rửa ngay lập tức. Vì thế, khi bạn ăn cay, các tuyến nhờn và tuyến mồ hôi của cơ thể sẽ hoạt động mạnh mẽ, làm tăng lượng nước mắt, nước mũi, nước bọt và vã mồ hôi liên tục.

Co thắt hệ tiêu hóa: Quá nhiều capsaicin trong món ăn sẽ làm đường tiêu hóa khó chịu, khiến ruột tăng sản xuất chất nhầy. Hơn nữa, capsaicin có thể làm co thắt đường ruột, gây ói mửa hoặc tiêu chảy.

Nồng độ capsaicin quá cao sẽ giống như một chất độc cho hệ thần kinh, có thể gây co giật, đau tim, thậm chí tử vong. Loại ớt cay nhất thế giới là Bhut Jolokia Chili Pepper, còn gọi là ớt ma. Một nghiên cứu năm 1980 tính toán rằng nếu dùng 3 pound (1,36kg) loại ớt cực cay này có thể khiến một người nặng 150 pound (68kg) tử vong.

Tác hại của việc ăn cay kéo dài có thể làm nặng hơn tình trạng đau dạ dày do viêm, gây trào ngược dạ dày, tổn thương nụ vị giác ở lưỡi (cơ quan cảm nhận vị thức ăn), gây cảm giác nóng rát khi đi tiêu ở người bị trĩ (do capsaicin không bị thoái hóa ở đường ruột), gây mất ngủ”, TS – BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết.

Bài: LÊ MINH
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua