Phụ nữ có thai nên ăn nhiều rau củ, hoa quả để bổ sung vitamin thiết yếu cho cơ thể, giúp ích cho sự phát triển của thai nhi. Tuy vậy, không phải loại rau, quả nào cũng tốt. Dưới đây là những loại rau bà bầu không nên ăn.
Những loại rau bà bầu không nên ăn rất phổ biến trong bữa cơm hàng ngày vì vậy nên cẩn thận để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
RAU NGÓT
Dân gian quan niệm phụ nữ mang thai ăn rau ngót dễ dẫn đến sẩy thai. Thật ra, chưa có nghiên cứu kết luận về vấn đề này. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên ăn rau ngót sống hoặc ép rau ngót sống lấy nước để uống. Hãy nấu chín để loại bỏ chất độc hại (antiprotozoa) có trong rau. Rau ngót sống có thể gây trở ngại cho sự hấp thu can-xi và phốt-pho hoặc dẫn đến một số triệu chứng như mất ngủ, khó thở, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.
CẢI BÓ XÔI
Cải bó xôi chứa nhiều sắt, khoảng 3,5mg sắt/ bát nấu chín. Tuy nhiên, cải bó xôi cũng chứa a-xít oxalic. A-xít này có thể ức chế sự hấp thụ sắt của cơ thể, gây nên tình trạng mệt mỏi do thiếu chất sắt. Thực tế, bạn không cần phải từ bỏ loại rau yêu thích này. Bạn hãy ăn cải bó xôi với bất kỳ loại thực phẩm có chứa chất hỗ trợ hấp thu sắt như cá, thịt gia cầm, cam, dâu tây, bưởi và các loại trái cây giàu vitamin C, một số loại rau quả như bông cải xanh, cà chua hay khoai tây.
CHÙM NGÂY
Loại rau này gần đây có bán ở các siêu thị, cửa hàng rau sạch. Đây là loại rau ngon, có thể chế biến theo nhiều cách như nấu canh, luộc hay xào thịt bò. Cũng giống như nhiều loại rau thảo dược khác, nước chùm ngây có thể gây ra các cơn co thắt tử cung dẫn đến sẩy thai. Vì thế đây là một trong những loại rau bà bầu không nên ăn.
CÁC LOẠI RAU SỐNG
Các loại rau như xà-lách, rau mầm, củ cải… có thể chứa vi khuẩn listeria. Đây là loại vi khuẩn có trong một số thực phẩm bị ô nhiễm, chưa nấu chín, sữa chưa tiệt trùng, rất nguy hiểm đối với thai phụ. Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 1.700 người bị bệnh do vi khuẩn listeria, trong đó có 260 trường hợp tử vong. Phụ nữ mang thai dễ mắc vi khuẩn này gấp 20 lần người bình thường, đặc biệt trong ba tháng cuối, khi hệ thống miễn dịch của thai phụ bị suy giảm. Triệu chứng xuất hiện 2–30 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh gồm đau đầu, đau cơ, sốt, buồn nôn và nôn. Nếu vi khuẩn tấn công hệ thống thần kinh, có thể gây cứng cổ, mất định hướng hoặc co giật.
RAU SAM
Rau sam có vị chua, tính hàn. Đây vừa là thảo dược chữa được nhiều bệnh như lỵ trực tràng, mụn nhọt, lợi tiểu, tẩy giun kim vừa được dùng như một loại rau ăn phổ biến ở nước ta. Ở châu Âu, người dân ăn rau sam thay xà-lách, có thể ăn sống hoặc nấu chín. Tuy nhiên, đây là một trong những loại rau bà bầu không nên ăn. Thực nghiệm cho thấy, nước ép rau sam gây kích thích tử cung, làm gia tăng các cơn co thắt ở tử cung và dễ gây sẩy thai.
ĐỂ BÉ YÊU KHÔNG KÉN ĂN
Bác sỹ Benoist Schaal, Đại học Bourgogne, Dijon, Pháp, cho biết: “Những gì người mẹ ăn trong thời kỳ não bộ thai nhi hình thành sẽ ảnh hưởng lâu dài đến trẻ”. Vị bác sỹ này cho một nhóm thai phụ ăn kẹo và bánh quy với vị hạt hồi trong vài ngày cuối thai kỳ. Khi em bé ra đời, bác sỹ đưa kẹo có mùi hạt hồi ra trước bé. Kết quả là những bé con của các bà mẹ đã ăn thức ăn vị hạt hồi quay đầu theo mùi hương này và có vẻ mỉm cười.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy trẻ phản ứng tích cực với các mùi khác, từ cà-ri đến tỏi, nếu mẹ bé thử những vị này khi mang thai. Do đó, để bé dễ ăn sau khi ra đời, bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm khi mang thai.
Tiếp Thị Gia Đình