Các bệnh về lưỡi ở người lớn có thể là tiền ung thư

Làm thế nào để biết các bệnh về lưỡi ở người lớn là tổn thương thông thường hay tiền ung thư? Bác sỹ Bích Huyên sẽ giúp bạn phân biệt

Triệu chứng thường gặp của các bệnh về lưỡi ở người lớn là sưng, đỏ, đau, loét và mất màu. Bệnh thường ảnh hưởng đến môi, miệng và họng. Bạn cần nhận diện từng loại bệnh để có cách ứng phó thích hợp.

LƯỠI CÓ GAI SẬM MÀU

Bình thường, các gai sẽ rụng đi mỗi khi ăn hay đánh răng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các gai lưỡi không rụng mà phát triển bất thường và dài ra. Vi trùng hay mọc trên các gai khiến lưỡi sậm màu. Nguyên nhân thường do trào ngược dạ dày thực quản, một kích thích mạn tính hay sau khi xạ trị ung thư đầu và cổ. Để chữa bệnh về lưỡi ở người lớn này, bạn phải điều trị trào ngược, tăng cường vệ sinh răng miệng, chải lưỡi và súc miệng thường xuyên.

NHIỄM HERPES SIMPLEX

Siêu vi HSV-1 thường gây ra những vết loét đỏ, đau ở lưỡi. Đôi khi vết loét có màng trắng hay xanh lá cây bao phủ. Triệu chứng sẽ giảm khi uống thuốc chống siêu vi. Bệnh này dễ lây lan sang người khác qua những nụ hôn. Tránh thức ăn mặn và chua.

BẠCH SẢN SÀN MIỆNG

Triệu chứng: Tổn thương màu trắng trên bề mặt lưỡi, đôi khi ở mặt trong má. Nguyên nhân thường do một kích thích lâu dài, hút thuốc lá, giang mai hay một số bệnh hệ thống. Nếu vết trắng không thể cạo đi được và không bớt sau điều trị, bạn phải cảnh giác. Đây có thể là một tổn thương tiền ung thư, cần đi bác sỹ khám ngay.

UNG THƯ LƯỠI 

Một kích thích mạn tính như răng vỡ, vết cắn vào lưỡi… hay viêm lưỡi, bạch sản sàng miệng cũng có thể gây ung thư lưỡi. Ngoài ra, với bất cứ tổn thương lưỡi nào không điều trị khỏi sau 2 tuần, bạn phải nghĩ đến ung thư.

CÁC BỆNH LÝ KÈM THEO 

Các bệnh về lưỡi ở người lớn có thể do một số bệnh khác bao gồm nhiễm trùng, viêm, dị ứng, các bệnh di truyền, chấn thương, ung thư và một số bệnh chuyển hóa. Tóm lại, đa số bệnh ở lưỡi là các bệnh nhẹ. Bạn chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng như tránh thức ăn cay, chua; thay đổi lối sống như không hút thuốc lá, bớt uống rượu; tránh để lưỡi tổn thương như dùng răng giả, răng vỡ đâm vào lâu ngày…

Ngoài ra, bạn cần uống các chất kháng viêm, dùng các thuốc thoa tại chỗ, bổ sung vitamin cần thiết. Tuy vậy, vẫn phải cảnh giác những tổn thương tiền ung thư, tổn thương không lành sau 2 tuần điều trị bài bản, để còn làm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BÁC SỸ BÍCH HUYÊN – Công ty Tư vấn Sức khỏe Tâm Tâm An

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua