Giúp con vượt qua biến cố khủng khiếp trong cuộc đời

Những chuyện không may trong cuộc đời có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không thiên vị một ai. Với trẻ nhỏ bạn làm cách nào để giúp con vượt qua biến cố? Hãy xem ngay bài viết dưới đây

Cuộc sống luôn trải đầy hoa hồng? Ồ, đó chỉ là một giấc mơ mà thôi! Chính vì vậy, bạn hãy trang bị cho con của mình một cẩm nang “thần thánh”, đó là những kỹ năng cơ bản để trẻ vượt qua những bất trắc với một tâm lý vững vàng.

Khủng hoảng có thể đến một cách bất ngờ khiến con trẻ hoang mang, hoảng sợ và cô đơn. Đó có thể là khi con đang đối diện những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp như bạo hành, tai nạn giao thông, cướp, thậm chí bị hiếp dâm. Là một người mẹ, bạn nhớ ở bên cạnh để nhận biết và giúp con vượt qua biến cố khủng khiếp bằng cả tình thương và những kiến thức tâm lý hữu ích sau đây.

Bạn sẽ giúp con vượt qua biến cố khủng khiếp như thế nào?

DẤU HIỆU TRẺ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ

Các dấu hiệu bất thường có thể gặp:

• Trẻ nhỏ dưới một vài tuổi thường khóc ré, hoảng sợ, hay giật mình, khóc mớ khi ngủ, nhút nhát, sợ người lạ và hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành cho trẻ.

• Trẻ lớn hơn có biểu hiện run sợ, tái mặt, có thể tiểu vãi ra quần, la khóc, kích động, chạy trốn người lạ, cách ly xã hội. Do đó, là cha mẹ, bạn cần gần gũi con, đặc biệt khi bé trải qua một biến cố lớn, để sớm nhận biết những dấu hiệu bất thường đó của trẻ và có kế hoạch can thiệp thích hợp giúp trẻ vượt qua.

XỬ TRÍ TRƯỜNG HỢP TRẺ BỊ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ

Vậy bạn sẽ giúp con vượt qua biến cố bằng cách nào?

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần:

• Giúp trẻ tách hẳn khỏi sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt.

• Giúp trẻ làm lành vết thương cơ thể (nếu có) như giảm đau, kháng viêm, chữa trị, chăm sóc vết thương do tai nạn, bỏng, bạo hành… Cho trẻ dùng thuốc an thần theo toa bác sĩ trong vài ngày đầu. Bồi dưỡng thể chất, giúp trẻ sớm lấy lại sức.

• Cho con gặp chuyên gia tâm lý nếu bé hoảng loạn, lo sợ nhiều và lâu hơn một tuần.

• Luôn ở bên trẻ để trẻ cảm thấy có người cùng vượt qua khủng hoảng.

• Giúp trẻ duy trì nếp sinh hoạt như trước khi khủng hoảng.

•  Đưa trẻ đi du lịch hoặc nghe nhạc vui tươi hay tập thể dục thích hợp. Xây dựng niềm tin mới, tích cực cho trẻ. Với trẻ lớn, bạn cần dặn trẻ tránh lạm dụng rượu, ma túy để ứng phó với đau buồn.

vuot-qua-khung-hoang-003

Ngoài ra, bạn tuyệt đối tránh:

Để giúp con vượt qua biến cố, bạn hãy chú ý tránh những sai lầm sau nhé:

• La mắng khi trẻ nghĩ về sự kiện gây khủng hoảng.

• Nhiếc móc, đổ thừa… khoét sâu nỗi đau của trẻ.

• Bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi trẻ tự mình kể lại chuyện đó và nên tôn trọng phản ứng của trẻ.

• Nổi giận, văng tục, hăm dọa đối tượng gây hại cho trẻ trước mặt trẻ.

• Nhắc lại sự kiện, vô tình làm mới ký ức đau buồn của trẻ.

PHÒNG NGỪA KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ CHO TRẺ

Nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng: “Việc giáo dục trẻ em ở các nước tiên tiến rất tốt”. Điều này là hẳn nhiên rồi, chính bạn cũng có thể trở thành người mẹ có cách giáo dục tiến bộ đấy. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, bạn nhé! Bạn có thể giúp con bằng cách dạy cho con các kỹ năng để phòng tránh, trước khi khủng hoảng tâm lý xảy ra:

• Huấn luyện, chuẩn bị cho trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp sự cố, như việc tập bơi, phòng tránh cháy nổ, thoát thân khỏi đám cháy, trú ẩn an toàn khi gặp động đất, sạt lở đất đá.

• Cho trẻ tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng sống để trẻ học cách đề phòng, nhận diện nguy hiểm để tránh, thực hiện tốt các quy định an toàn, như mang phao khi ngồi tàu trên sông biển, thắt dây an toàn khi lên xe hơi, máy bay.

• Khuyến khích trẻ rèn luyện, sử dụng kỹ năng giao tiếp, có thể diễn đạt và thể hiện bản thân một cách lành mạnh. Xây dựng mối quan hệ tích cực và hỗ trợ với mọi người. Động viên trẻ thực hành các kỹ năng chia sẻ, quan tâm và hợp tác.

BÀI: Ths–Bs. Nguyễn Minh Mẫn – Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM

Mục Mẹ và con/Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua