Năm cái bìa đồng thanh:
– Chúng tôi biết vậy nên chúng tôi rất ngượng khi đọc lại những lời của mình.
– Các bạn có hiểu rằng đôi lúc các bạn chỉ là những hình nộm để người ta treo sản phẩm lên không?
– Chúng tôi biết điều đó. Nhưng khi nhận treo, chúng tôi được trả tiền.
– Tất cả các bạn làm vì tiền, nhưng lại luôn luôn nói rằng mình làm vì văn hóa, như thế là xấu hay tốt?
Cả năm người mẫu cùng đồng thanh:
– Chả biết tốt hay xấu, nhưng nếu chúng tôi không làm thì đứa khác cũng làm.
– Đối với các bạn, cái gì quan trọng hơn: sản phẩm của xã hội hay trí tuệ của xã hội?
Tất cả đồng thanh:
– Chúng tôi không biết.
– Đối với các bạn, cái gì quan trọng hơn? Sự đẹp đẽ của báo chí hay sự đẹp đẽ của người dân thường?
– Chúng tôi không biết.
– Đối với các bạn, điều gì cần quan tâm hơn: quần áo của một người thường hay quần áo của một người mẫu?
– Người mẫu.
– Nhưng người thường mặc theo ý mình, còn người mẫu mặc theo ý các công ty thời trang, như vậy đúng hay sai?
– Chúng tôi không biết.
– Các bạn chọn lựa báo chí hay báo chí chọn lựa các bạn?
– Báo chúng tôi chọn thì không chọn chúng tôi. Báo chọn chúng tôi thì chúng tôi không chọn.
– Các bạn thấy bản thân mình vĩ đại một cách tầm thường hay tầm thường một cách vĩ đại?
– Chúng tôi không biết.
– Phần lớn các câu hỏi đều trả lời không biết, vậy tại sao các bạn đại diện cho xã hội?
Tất cả các chân dung im bặt. Nam tuyên bố và Maika lập lại theo sau:
– Cho nên tôi tuyên bố, đa số các vị không xứng đáng lên bìa. Đáng ra phải xuống ngay. Rồi Nam gập các cuốn tạp chí lại, quẳng vào góc nhà. Chỉ năm phút sau, điện thoại di động kêu vang.
Giọng Tony Trần thều thào:
– Thưa ông Nam. Tôi xin gửi ông một tỷ đồng ngay tức khắc. Ông đang ở đâu để kế toán mang tiền tới?
Nam mỉa mai:
– Sao vậy?
Giọng Tony như sắp chết:
– Thưa ông, toàn bộ tòa soạn của tôi như ong vỡ tổ. Tất cả các khách hàng đều đòi rút lại quảng cáo và tất cả các người mẫu, các nhân viên nhiếp ảnh đều bỏ chạy.
Nam cười:
– Tony, thế ông đã xem qua bộ phim Cuộc tháo chạy tán loạn chưa?
– Dạ chưa.
Nam đắc chí:
– Vậy ông sắp thấy các tạp chí tán loạn ngay bây giờ, nếu không muốn làm theo ý tôi.
Chỉ mười phút sau, có tiếng kêu cửa rụt rè. Nam ung dung đi xuống. Một nữ nhân viên mặc đồng phục đeo thẻ của Model đưa cho anh một tỷ đồng để trong gói giấy, không hề đòi ký nhận, đã thế còn cúi đầu chào ra về. Nam bước vào phòng, để gói tiền lên bàn rồi nhìn trừng trừng vào nó. Một tỷ đồng! Đây là một số tiền anh chưa khi nào mơ ước tới. Nó xa vời như ở cung trăng. Thế mà phút này, Nam biết anh sẽ dễ dàng có hàng trăm lần hơn thế.
Tại sao? Tại trong thế kỷ XXI của loài người, không sản phẩm nào bán được nếu không quảng cáo. Thậm chí, chi phí quảng cáo có khi chiếm gần hết giá thành. Rất ít người biết khi họ mua một chai dầu gội đầu giá một trăm ngàn đồng, thì tiền quảng cáo chiếm tới hơn tám chục ngàn đồng. Mà một trong các cách quảng cáo hiệu quả và dễ dàng là thông qua báo chí, thông qua những nhân vật trang bìa. Hàng năm, con số này có khi lên tới cả ngàn tỷ đồng nếu tính trên toàn quốc.
Các nhân vật ấy từ nay do Nam điều khiển, Nam chất vấn, Nam căn dặn, Nam khen ngợi hay kết tội. Vậy Nam sẽ có bao nhiêu? Một tỷ này chỉ như một cây tăm xỉa răng thôi! Nam thừa biết mình chỉ là một kẻ tầm thường. Nhưng anh đã trở nên vĩ đại, trở nên đáng sợ vì có Maika, cô gái nhặt từ trong thùng rác. Cô chế tạo từ một chất liệu không tồn tại trên trái đất, có thể bắt các bức chân dung mở miệng. Mà trên thế giới này, hai thứ quyền lực cao nhất là quyền cho người ta mở miệng và bắt người ta phải im miệng. Nam thấy nghẹn thở! Anh kinh hoàng về sức mạnh của mình đến mức hơi choáng váng.
Anh thấy cần đi ra ngoài. Mới ra tới đầu hẻm, một cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt Nam: hàng trăm người dân vây quanh sạp báo, bàn tán ồn ào: – Trời ơi, tự nhiên mấy cái hình nói chuyện huyên thuyên.
– Vừa nói vừa khóc.
– Không, vừa nói vừa cười.
Chắc là ma nhập.
– Thôi đi, đừng có xạo.
– Xạo gì.
Bà bán báo xỉu, đi cấp cứu rồi. Mấy bà bán báo khác đều bỏ chạy. Có người sợ quá chui cả xuống gầm bàn. Và điều kỳ quái nhất Nam thấy đã xảy ra. Rất nhiều ông bà thắp nhang dưới các tạp chí Model, khấn vái đì đùng. Nam buồn cười quá. Thật ra, bản chất của báo chí là linh thiêng. Chỉ có chúng tự đánh mất mình hay không mà thôi.
Ngồi xuống một quán cà phê cực kỳ sang trọng ở trung tâm thành phố mà bao nhiêu năm nay chỉ rụt rè đi qua. Nam thờ ơ nói với anh bồi:
– Cho thức uống gì đắt nhất. Anh bồi lễ phép:
– Dạ thưa anh, đắt nhất là một loại kem nhập khẩu từ Na Uy. Giá năm trăm ngàn đồng một ly đặc biệt.
Nam phá ra cười:
– Thế hả? Vậy có bao nhiêu cô gái trong quán đang ngồi, anh đưa ra bao nhiêu ly. Tôi mời nhưng đừng nói với ai. Anh bồi nhìn Nam không chớp mắt. Anh tin chắc vừa gặp thằng điên. Nhưng người điên sau khi nói thường tiếp tục lảm nhảm. Còn chàng trai này chỉ cười đầy tự tin. Anh lảo đảo vào quầy. Hai phút sau, một ông mặc comple bước ra:
– Thưa ông, có phải ông vừa ra lệnh mời tất cả các thiếu nữ đang ngồi trong quán một ly kem năm trăm ngàn không?
Nam gật đầu, nhã nhặn. Anh hiểu kẻ giàu vớ vẩn mới vênh váo. Kẻ giàu khủng khiếp thường nhã nhặn:
– Dạ, đúng.
Quản lý cúi mình:
– Thưa ông, tôi vừa đếm thấy hiện nay đang có khoảng năm chục cô cả già lẫn trẻ, cả xấu lẫn đẹp, cả đi với bạn gái lẫn bạn trai. Ông mời hết ạ?
Nam dịu dàng:
– Mời hết. Phụ nữ đều đáng trọng như nhau.
Thật ra thì không hề như nhau. Xinh khác, xấu khác, độc thân khác, có bạn trai khác, da trắng khác, da đen khác. Nhưng khi bạn là người trí thức, bạn để ý tới những chi tiết đó làm gì? Mà tỷ phú chân chính nào lại không trí thức cơ chứ. Quản lý ngần ngừ, nói ra một câu vô cùng khổ sở:
– Xin lỗi ông, hết sức xin lỗi, ông có thể cho xem thẻ tín dụng được không ạ?
Nam rút tiền để lên bàn:
– Tôi không có thẻ. Tôi chỉ mang một cục này.
Quản lý thở phào:
– Vâng. Cám ơn ông rất nhiều. Nhưng tôi cần thưa với các cô thế nào ạ?
Nam phẩy tay như đuổi một con ruồi:
– Chả cần thưa gì cả. Chỉ cần nói tặng kem nhân ngày 28 tháng 3. Anh quản lý buột miệng hỏi:
– Ngày 28 tháng 3 là ngày gì?
Nam nháy mắt:
– Ngày tôi mới nghĩ ra!
Truyện ngắn của Lê Hoàng / Tiếp Thị Gia Đình