Cách trị nứt gót chân bằng chuối khá hiệu quả nhờ chuối có thành phần chính chứa nhiều dưỡng chất tốt cho da như ka-li, vitamin A, B6, B12, C, E, kẽm… Do đó, việc đắp chuối lên gót chân sẽ cung cấp đầy đủ các loại dưỡng chất thiết yếu, nuôi dưỡng da mềm mại, tẩy tế bào chết, kháng khuẩn và kích thích tái tạo da.
Nhiều người thích mang dép kẹp hay đi chân không trong tiết trời nóng bức của mùa hè. Tuy nhiên, điều này có thể làm hỏng da chân. Việc tiếp xúc liên tục với không khí làm da mỏng manh bị khô, tạo ra những vết chai. Lúc đi hoặc chạy, áp lực của việc nện chân xuống đất dễ dẫn đến nứt gót chân. Nếu vẫn cứ tiếp tục đi hay chạy, vết nứt sẽ lớn và sâu hơn có thể gây chảy máu, tạo cửa ngõ cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập. Bên cạnh việc làm cho đôi chân không còn đẹp nữa, nứt gót chân còn khiến bạn đau đớn. Để chữa trị, bạn hãy thử đắp chuối lên gót chân theo những cách sau nhé.
Chuối chín
Nếu bạn là người bận rộn, không có thời gian chăm sóc và điều trị các vết nứt nẻ ở gót chân, đây là cách trị nứt gót chân đơn giản nhất.
• Nguyên liệu: 2 quả chuối chín
• Thực hiện: Chuối chín bóc bỏ vỏ, cho vào máy xay nhuyễn thành dạng sệt. Sau đó, rửa chân sạch bằng xà phòng và dùng đá mài nhẹ nhàng chà xát để lấy tế bào chết cùng lớp da sừng đi, lau khô. Mát-xa chuối lên gót chân trong 5 phút và giữ yên khoảng 15 – 20 phút rồi rửa sạch với nước ấm. Ngâm chân trong nước lạnh 5 phút. Nếu có thể, hãy thực hiện cách này đều đặn mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần để có kết quả nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn có thể xay chuối cùng với 1 quả bơ thành hỗn hợp sệt và thực hiện tương tự như trên.
Chuối + mật ong
Hỗn hợp chuối và mật ong sẽ giúp làm sạch da hiệu quả, diệt khuẩn ở vết thương, giúp gót chân nhanh lành và mềm mịn hơn nhờ mật ong có tính kháng khuẩn cao và khả năng dưỡng ẩm cho da khô.
• Nguyên liệu: 2 thìa súp mật ong, 1 quả chuối chín
• Thực hiện: Cho chuối đã được nghiền nhuyễn và mật ong chung với nhau vào bát, trộn đều. Nhẹ nhàng thoa hỗn hợp lên gót chân đã được làm sạch, đợi khoảng 20 phút rồi rửa sạch. Thực hiện cách này 2 lần/tuần.
Chuối + bột yến mạch
Bột yến mạch chứa nhiều vitamin B, khoáng chất và đặc biệt là chất avenanthramide, một chất chống viêm nhiễm tự nhiên, có tác dụng làm lành vết thương, cung cấp độ ẩm giúp da bớt khô ráp. Vì vậy, cách trị nứt gót chân bằng chuối kết hợp với bột yến mạch sẽ làm tăng hiệu quả trị nứt gót chân.
• Nguyên liệu: 50g bột yến mạch, 1 quả chuối chín
• Thực hiện: Cho chuối chín, bột yến mạch và ít nước vào máy xay nhuyễn hoặc dằm nhuyễn. Sau đó, ngâm chân vào nước ấm cho gót chân mềm, lau khô và nhẹ nhàng thoa hỗn hợp lên. Đợi khoảng 15 – 20 phút cho các dưỡng chất thẩm thấu vào da, bạn gỡ xuống và rửa sạch chân với nước lạnh. Mỗi tuần thực hiện cách này 2 – 3 lần.
Chuối + trứng gà + chanh
A-xít citric trong chanh giúp làm sạch những tế bào da chết và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trong khe nứt ở chân.
• Nguyên liệu: 1 quả chuối chín, 1 lòng đỏ trứng gà, 1 thìa súp nước cốt chanh
• Thực hiện: Bóc vỏ và nghiền nhuyễn chuối, cho lòng đỏ trứng gà và chanh vào trộn đều để có một hỗn hợp mịn và sệt. Rửa sạch chân, lau khô. Thoa hỗn hợp này lên gót chân, sau khoảng 10 – 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm.
Cách phòng nứt gót chân
♦ Thường xuyên mang vớ để giữ ấm vào những ngày trời lạnh hoặc khi đi ra ngoài nắng. Mang giày che hết bàn chân để giữ ẩm cho da ngay cả mùa hè.
♦ Uống đủ nước suốt cả ngày để giúp giữ ẩm cơ thể từ trong ra ngoài.
♦ Sử dụng đá bọt chà gót chân vài lần trong tuần khi tắm.
♦ Dùng kem dưỡng ẩm da chân hàng ngày.
Lưu ý: Sau khi đã áp dụng các cách trị nứt gót chân bằng chuối nhưng không hiệu quả, có nghĩa là da bạn rất khô hoặc vết nứt quá lớn. Lúc này, bạn có thể dùng kem trị nứt gót chân hoặc đến khám tại bác sỹ da liễu để được tư vấn loại thuốc bôi phù hợp. Nếu thường xuyên chạy bộ vào buổi sáng, tình trạng nứt gót chân sẽ tồi tệ hơn. Do đó, bạn nên chuyển sang đi bộ cho đến khi kiểm soát được vết nứt.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình