Trong họp báo ngày 30−6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chính thức công bố nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung là do chất thải từ nhà máy công nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Trước đó, Chủ tịch công ty Formosa Hà Tĩnh cũng đã gửi thư đến toàn thể nhân viên, cúi đầu nhận lỗi và cam kết sẽ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà công ty đã gây ra cho môi trường Việt Nam. Theo đó, công ty cam kết sẽ bồi thường thiệt hại cá chết ở miền Trung số tiền 500 triệu USD, tương đương với 11.500 tỷ đồng Việt Nam.
Khúc mắc xung quanh số tiền 500 triệu USD vụ cá chết ở miền Trung
Tuy nhiên, vẫn còn vài khúc mắc xung quanh số tiền đó. Trước hết, công ty cũng không hề nói rõ thời gian giao nộp số tiền cũng như khi nào sẽ giao hết 500 triệu USD. Bên cạnh đó, không hề có thông tin cụ thể là cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm giao nhận số tiền này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), đây mới chỉ là lời cam kết của Formosa với nhà nước. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa hề có một bản án khởi tố hành vi vi phạm của Formosa, vì thế nếu Formosa không thực hiện, cũng rất khó để cưỡng chế công ty này.
“Thiết nghĩ nhà nước phải đôn đốc nhắc nhở Formosa bồi thường gấp rút cho ngư dân và những người bị thiệt hại. Nếu không thực hiện nhanh chóng mà rề rà thì phải rút giấy phép”, luật sư Nguyễn Văn Quynh nhấn mạnh.
Về phương án sử dụng số tiền 500 triệu USD, tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho hay số tiền bồi thường sẽ dành ưu tiên cho người dân, đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cá chết. Chính phủ cũng sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững…
Song, khi nào sẽ triển khai việc đền bù thiệt hại cho người dân và công tác khắc phục môi trường biển bị ô nhiễm như thế nào lại không được đề cập.
Được biết, vụ việc cá chết hàng loạt xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khoảng 70 tấn cá tự nhiên của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế chết dạt bờ. Thiệt hại riêng đối với Quảng Trị, tính đến cuối tháng 5 đã vượt con số 141 tỷ đồng.
Chưa kể việc tàn phá môi trường của Formosa không chỉ gây tác hại ở hiện tại mà nó còn để lại hậu quả lâu dài đối với hệ sinh thái vùng biển và cả cuộc sống của người dân Việt Nam.
Liệu 500 triệu USD đã là đủ để đánh đổi tương lai cả dân tộc?
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình