Các bệnh ngoài da mùa mưa và cách phòng tránh

Mưa đầu mùa thật lãng mạn khi hẹn hò với chàng, nhưng chúng cũng tiềm ẩn các bệnh ngoài da mùa mưa. Hãy biết cách phòng bệnh để không phải hẹn hò với... bác sỹ trong mùa mưa này, bạn nhé

Theo TS – BS. Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, mưa đầu mùa kèm thời tiết nóng ẩm là “kẻ thù số 1” của làn da. Cường độ ánh nắng cao và độ ẩm bất thường từ những cơn mưa bất chợt sẽ làm lan tỏa các tác nhân gây bệnh trong không khí, khiến da bạn dễ bị tổn thương, viêm nhiễm… Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu thêm về các bệnh ngoài da mùa mưa để biết cách phòng tránh nhé!

CÁC BỆNH NGOÀI DA MÙA MƯA THƯỜNG GẶP 

Dù đã bắt đầu vào mùa mưa, nhưng với cường độ ánh nắng cao, các ca mắc bệnh lý về da do tác động của ánh nắng mặt trời vẫn tăng cao như:

Viêm da ánh sáng, bỏng nắng, mề đay do ánh nắng... với tổn thương là các mảng da mặt, cổ, cánh tay bị ửng đỏ hoặc phù nề, tróc vẩy trên bề mặt kèm mụn nước, bóng nước.

Mụn trứng cá, chàm, viêm da-cơ, bệnh bóng nước do rối loạn chuyển hóa Porphyrin, Lupus đỏ, viêm da tiết bã với biểu hiện da đỏ, sần sùi, đóng vẩy vàng trên các vùng da nhờn như má, nếp mũi, sau tai, da đầu. Càng tiếp xúc với nắng, vùng da bệnh càng đỏ và bị châm chích nhiều hơn.

Sạm da, rám má, đen da, lão hóa da (đốm đồi mồi)… do mất nước, tác động của tia tử ngoại (tia UV), tác dụng của thuốc kháng sinh nhóm thuốc cyclin khi tiếp xúc với ánh nắng. Trong khi đó, các bệnh lý về da thường gặp nhất trong mùa mưa đều liên quan đến mồ hôi, độ ẩm cao, vi nấm và môi trường ô nhiễm như:

Nổi mề đay do mồ hôi hoặc nước mưa. Bệnh nhiễm trùng như chốc ở em bé với biểu hiện là mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh, sau hóa thành mủ, vỡ ra, khô đi và đóng mài.

Các bệnh do vi nấm sợi tơ, vi nấm hạt men và bệnh lang ben xuất hiện nhiều nơi ở da, niêm mạc, tóc và móng. Hăm kẽ ở những người tăng cân, hay nấm da ở nách, mông, đặc biệt là bẹn với các mảng da hồng có nhiều mụn nước ngoài rìa. Từ một bên bẹn, nấm có thể lan sang bên kia, ra kẽ mông, xuống đùi, lên thắt lưng… Đây là một trong các bệnh ngoài da mùa mưa thường gặp nhất.

Bệnh rôm sảy ở trẻ em do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và vùng da xung quanh bị kích thích viêm đỏ gây ra.

Da dễ bị ngứa ngáy, nổi mụn, mẩn đỏ, nhiễm trùng vết xước… do thiếu ngủ hoặc dị ứng với các tác nhân gây ô nhiễm trong không khí.

PHÒNG BỆNH VÀ CHỮA BỆNH 

cac benh ngoai da mua mua va cach phong tranh hinh anh 1

Tránh nắng và chống nắng là việc làm cần thiết để giữ làn da khỏe và trẻ lâu hơn. Dưới tác động của nắng nóng, những chất giúp da săn chắc và tươi trẻ như collagen, elastin, a-xít hyaluronic đều bị phá hủy, dẫn đến hiện tượng da khô, nhăn, mất độ ẩm… Khi lớp giữ ẩm tự nhiên này suy giảm, da càng dễ bị “tấn công” bởi ánh nắng và các tác nhân độc hại từ môi trường. Đồng thời, khả năng chống lại vi trùng và các chất lạ xâm nhập của da cũng yếu đi, làm da dễ bị nhiễm trùng hoặc hư hại.

Để phòng ngừa các bệnh ngoài da mùa mưa, bạn vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, mặc quần áo thoáng mát bằng vải lanh, cotton… Tránh diện quần áo quá dày hoặc làm từ len dạ, ni-lông để không làm ngứa da. Nếu phải thường xuyên làm việc ngoài trời hoặc đang dùng thuốc tăng sắc tố da, bạn lưu ý chống nắng cho da thật chu đáo. Còn khi làm việc trong không gian tù túng và ẩm ướt, bạn năng thay quần áo để tránh lưu giữ nhiều vi khuẩn trên người và giúp da khô thoáng hơn.

Khi trên da xuất hiện các vết tổn thương khả nghi, bạn đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống hợp lý với nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc và thói quen dùng kem chống nắng mỗi ngày sẽ giúp làn da của bạn sáng đẹp hơn.

Bài: LÊ MINH

Mục: Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua