50 năm trước, khi tập đầu tiên của bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek được phát sóng trên truyền hình, và cho đến hiện nay, “hiệu ứng” dịch chuyển tức thời (teleportation) đã làm hàng triệu người mê mẩn, ao ước được sử dụng nó trong cuộc sống ngoài đời thực. Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn mãnh liệt đến thế?
Cụ thể là, nếu như có dịch chuyển tức thời ngoài đời thực, bạn sẽ chẳng cần phải nổ máy xe để đi từ nhà ra siêu thị, hay từ sân sau nhà bạn tới thẳng một nơi ồn ào, náo nhiệt nào đó ở tận nửa vòng bên kia Trái Đất chỉ trong một nốt nhạc. Về cơ bản, dịch chuyển tức thời có nghĩa là “rã” vật thể hoặc con người thành các hạt lượng tử mang theo thông tin, phóng đi với tốc độ ánh sáng hoặc hơn nữa rồi “ráp” lại tại điểm đến.
Hiện nay, các nhà khoa học đang dồn hết tâm huyết để nghiên cứu ra một cách thức di chuyển mới, phối hợp giữa tính chất của liên lạc viễn thông và vận chuyển, để tạo ra một hệ thống mới lấy ý tưởng từ các bộ phim khoa học viễn tưởng, được gọi là dịch chuyển tức thời.
Theo tin từ Sputnik, mới đây nhất, các nhà khoa học Nga thông báo bắt tay vào một dự án với bước đầu thực hiện teleportation nằm trong kế hoạch quy mô lớn mang tên Chiến lược công nghệ quốc gia (NTI) đã được đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn với tổng kinh phí gần 200 triệu đô la Mỹ. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ được thực hiện từ đây đến năm 2035, bao gồm việc phát triển một chương trình ngôn ngữ lập trình, công nghệ an ninh trong liên lạc, chế tạo máy tính lượng tử và thiết lập hệ thống liên kết giữa máy tính và não bộ con người.
Trên thực tế, đã có rất nhiều thử nghiệm thành công về chuyện dịch chuyển tức thời nhưng chỉ ở mức dạng phân tử, quy mô nhỏ, còn thực hiện trên con người thì vẫn chưa.
Alexander Galitsky, một nhà nghiên cứu người Nga, cho biết: “Ngày nay, chuyện đó nghe có vẻ bất ngờ và tuyệt diệu, nhưng thực ra đã có một thử nghiệm thành công ở Stanford rồi, nhưng chỉ mới thành công ở mức phân tử. Rất nhiều thành tựu công nghệ ngày nay được lấy ý tưởng từ những bộ phim điện ảnh 20 năm về trước”.
Theo tờ The Telegraph (Anh), vào năm 2014, cũng đã có một cuộc thử nghiệm thành công trong việc dịch chuyển thông tin được mã hóa trong các hạt hạ phân tử ở khoảng cách 3m với độ chính xác là 100% bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan). Một năm sau đó, việc dịch chuyển thông tin lượng tử trong các hạt ánh sáng vượt qua quãng đường hơn 100km bằng cáp quang đã diễn ra vô cùng thành công bởi một nhóm chuyên gia của Viện Công nghệ và Chuẩn mực quốc gia (NIST) ở Mỹ, dẫn tin từ thông cáo trên website Nist.gov.
Tuy nhiên, từ những cuộc thí nghiệm gọi là bước thành công khởi đầu này cho đến viễn cảnh dịch chuyển con người từ nơi này đến nơi khác là một con đường xa thẳm nhưng những chuyên gia trong dự án lần này của Nga tự tin rằng họ có thể đạt được kết quả “hơn cả mong đợi” vào năm 2035.
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình