“Hội chứng thức giấc nửa đêm” đã không còn quá xa lạ khi bạn đang sống trong một thế giới đầy bận rộn. Và không điều gì đáng ghét hơn chuyện bạn rất là dễ ngủ, và ngủ rất ngon trước đó nhưng rồi đến khoảng 2–3 giờ sáng, mắt bạn lại mở sáng hơn cả cú mèo khi nó nhìn thấy con mồi vào ban đêm vậy. Và rồi sau đó, bạn nhìn lên trần nhà tự hỏi: “Đã sáng rồi sao? Ôi không! Tôi không muốn thức dậy vào giờ này đâu, chỉ mới 2 giờ sáng thôi mà?”. Tuy bạn đã làm đủ mọi cách để có thể buồn ngủ trở lại như đếm cừu, đếm sao, đếm lá, đếm đủ thứ trên đời… nhưng vẫn không thể ngủ lại được, đời mất ngủ nửa đêm của bạn cũng bắt đầu từ giây phút ấy.
Thức giấc nửa đêm thường được điều trị bằng hai phương pháp: phương pháp điều trị tâm lý và phương pháp điều trị bằng thuốc. Phương pháp tâm lý hiệu quả nhất có tên là “CBTI – Cognitive behaviorial therapy for insomnia”, gồm có những cách điều trị như hạn chế ngủ, giới hạn thời gian bạn nằm trên giường khi không thể ngủ và kiểm soát những tác động bên ngoài có thể gây thức giấc nửa đêm. Vào tháng 5 vừa rồi, trường Cao đẳng tâm lý học tại Mỹ đánh giá rằng phương pháp CBTI nên được sử dụng đầu tiên trước khi điều trị bằng thuốc khi bạn bị mất ngủ nửa đêm trong thời gian dài.
Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiện tượng thức giấc nửa đêm
Phương pháp điều trị tâm lý
Bác sĩ Michael Perlis, cũng là Giám đốc chương trình nghiên cứu các triệu chứng của bệnh mất ngủ, tại trường Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết: “Thức giấc vào nửa đêm thường hay xảy ra là do stress và cảm thấy mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống”. Thức giấc vào nửa đêm là dấu hiệu chứng tỏ bạn có quá nhiều sự lo lắng trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, sự mất cân bằng đồng hồ sinh học và thời gian biểu không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân chính gây thức giấc nửa đêm.
√ Đừng làm gì hết
Cách tốt nhất để chấm dứt những chuỗi ngày mất ngủ này đó là: Đừng làm gì hết! Nào, bạn đừng trố mắt nhìn vào màn hình của Tiếp Thị Gia Đình như thế chứ, chắc chắn 100% với bạn rằng mắt bạn vẫn ổn và hoàn toàn không đọc nhầm hay bị sai thông tin đâu nhé.
√ Không ngủ lại.
√ Không chợp mắt một chút.
√ Không ngủ sớm trong ngày tiếp theo và mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy thôi, bác sĩ Perlis cho biết.
Việc “đền bù” cho sự mất ngủ bằng cách cố ngủ lại sẽ càng gây ra tình trạng mất ngủ kinh niên, bởi nó sẽ làm cho bạn cảm thấy khó ngủ hơn vào đêm tiếp theo. “Tốt hơn hết là bạn nên uống cà phê trong ngày”, bác sĩ Perlis nói. Nếu như bạn có một buổi thuyết trình hay một cuộc họp quan trọng ngay vào sáng đó, hãy “tiết kiệm” giấc ngủ cho đêm hôm sau dù cho bạn có buồn ngủ đến thế nào đi nữa.
√ Tắt hết các thiết bị điện tử hoặc những thứ phát ra ánh sáng
Ánh đèn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ. Ánh sáng phát ra từ đèn ngủ, ti-vi, laptop, điện thoại, đèn nhà tắm… vào nửa đêm có thể ngay lập tức làm tăng lượng melatonin trong cơ thể, liên quan đến việc gây nhiễu loạn vòng tuần hoàn ngủ – thức của bạn.
Tùy thuộc vào giờ nào trong đêm, ánh đèn có thể làm bạn khó ngủ hơn vào những đêm kế tiếp hoặc thức giấc sớm vào lúc nửa đêm. Vì thế, trước khi ngủ bạn nên tắt hết tất cả các thiết bị điện tử để đảm bảo cho giấc ngủ của bạn được trọn vẹn, bác sĩ Buysse cho biết.
√ Không nhìn đồng hồ mỗi khi thức giấc
Jennifer L. Martin, chuyên gia tâm lý và điều trị giấc ngủ tại UCLA, cho biết những bệnh nhân mất ngủ của cô thường hay thức giấc vào nửa đêm là do họ hay nhìn vào đồng hồ mỗi khi thức giấc. Mọi người hay có thói quen nhìn đồng hồ để xem mình đã ngủ được bao nhiêu tiếng, nhưng việc đó chỉ góp phần làm cho bạn stress thêm vì có ai “làm toán” mà ngủ được đâu? Nên là đừng nhìn đồng hồ thường xuyên quá các bạn nhé, và cũng dừng ngay việc đếm số, đếm cừu gì đi nhé, điều đó chỉ gây “hại não” thêm thôi.
√ Không ăn khuya
Nếu bạn không thể ngủ lại vào nửa đêm, đừng ăn gì đấy nhé! Điều đó không những làm bạn mất ngủ thêm mà còn khiến cho cơ thể của bạn ngày càng béo lên, theo bác sĩ Buysse. Thế nên, bạn hãy nói lời chào tạm biệt với việc ăn khuya đi là vừa.
Trên đây là những cách để bạn không bị thức giấc nửa đêm. Hãy tiến hành ngay nhé bạn!
Chúc bạn ngủ ngon!
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình