Từ ngày 15–6 vừa qua, ti-vi sử dụng công nghệ thu sóng truyền thống (dùng cột ăng-ten dựng trên nóc nhà, ăng ten râu) của các hộ gia đình tại các thành phố Hà Nội, TP. HCM và Cần Thơ không thể tiếp tục xem một số kênh truyền hình quen thuộc, chẳng hạn như kênh VTV6 tại Hà Nội; VTV6, VTV9 tại TP. HCM; VTV6, VTV Cần Thơ 1 (nay là VTV 9); VTV Cần Thơ 2 (nay là VTV5). Phải chăng các ăng-ten râu này mới bị khai tử?
HẾT THỜI CỘT ĂNG – TEN
Trong tuần qua, kể từ khi hàng loạt kênh truyền hình biến mất ở các ti-vi thu sóng bằng các cột ăng-ten, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình cũng bắt gặp những cột ăng-ten đã rụng que trơ trọi nằm trên các mái nhà ở quận xa trung tâm TP. HCM. Ông Năm, 68 tuổi, nhà ở huyện Bình Chánh, cho biết: “Ba năm trước, cứ bắt đầu vào mùa mưa là bà xã tui kêu hạ ăng-ten xuống lo chỉnh sửa để ti-vi bắt sóng tốt, nhất là những khi mưa gió. Từ năm ngoái, ti-vi mới của nhà tui xài truyền hình cáp nên bà xã tui không thèm nhắc nhở. Nếu bữa nào trời mưa gió, ăng-ten của ti-vi trong phòng không bắt sóng tốt thì vợ tui lại ra phòng khách xem ti-vi khác đang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp”.
Bên cạnh nhà ông Năm còn có vài nóc nhà khác “chở” mấy cây ăng-ten cũng đã ở vào giai đoạn hết thời. Có cây ăng-ten gãy nằm dài trên nóc nhà, gia chủ cũng không buồn dựng lại. Khi chúng tôi hỏi vì sao, các hộ này đều giải thích với lý do tương tự nhau: “Hết thời rồi, xài mấy cây ăng-ten này đâu có bắt được nhiều đài như trước đây nữa!”.
Thực tế, dạo quanh một xóm ở huyện Bình Chánh, 10 nhà thì có khoảng hai nhà có ít nhất 2 ti-vi, một ti-vi đời mới màn hình phẳng và một ti-vi “đít bự”. Ti vi “đít bự” xài chảo hoặc ăng-ten và chỉ là ti-vi phụ trong nhà. Ti-vi chính được cả gia đình xem nhiều nhất, sử dụng thường xuyên là ti-vi màn hình phẳng, mỏng, treo sát tường có đăng ký dịch vụ truyền hình cáp. Thậm chí có nhà cũng đã dẹp ăng-ten từ lâu và chỉ dùng dịch vụ truyền hình cáp.
Đi xa hơn, về tới các khu thị trấn, thị tứ ở huyện Cần Giuộc hoặc huyện Cần Đước, tỉnh Long An, là tỉnh lân cận TP. HCM, chúng tôi thấy những cột ăng-ten cũng đã trong hoàn cảnh hết thời sử dụng tương tự như khu vực quận 8, TP. HCM.
Nếu ở những quận xa trung tâm, khu vực thị trấn, thị tứ hay vùng sâu, nhiều gia đình còn có ti-vi dùng ăng-ten bắt sóng thì tại các quận trung tâm TP. HCM, các cây ăng-ten đã “biến mất”. Ngày 23–6, lên lầu 7 một cao ốc Q. 3, TP. HCM, để quan sát, chúng tôi đã không thấy bóng dáng của cây ăng-ten nào. Tất cả đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ bắt sóng khác.
CHUYỂN ĐỔI TỰ NHIÊN
Theo ghi nhận của phóng viên Tiếp Thị Gia Đình, quá trình các hộ gia đình chuyển đổi từ ăng-ten thường lên chảo, rồi dịch vụ truyền hình cáp đều thực hiện một cách tự phát và mạnh mẽ nhất từ hai năm nay.
Ông Năm, Bình Chánh, cho biết: “Tui chỉ coi tin thời sự cho nên cũng không cần nhiều đài, chứ vợ con tui thích phim ảnh, cải lương, mấy chương trình ca nhạc nên “đòi vô” truyền hình cáp coi nhiều kênh cho sướng, lúc nào cũng có phim, có cải lương. Cháu tui còn bắt mấy kênh có phim hoạt hình tiếng Anh, mẹ nó nói cho nó luyện tiếng Anh. Chứ nếu nhà tui cứ coi ti-vi dùng ăng-ten bắt sóng thì may ra cả tuần mới có một chương trình mà vợ con, cháu ngoại tui thích.
Lúc đầu tui tiếc tiền của tụi nhỏ nên cản với lý do xài ăng-ten cả năm không tốn đồng nào, còn xài truyền hình cáp mỗi tháng phải tốn khoảng 100.000 đồng. Song con gái tui nói, số tiền này chỉ xấp xỉ một vé xem phim. Trong khi đó, có truyền hình cáp ở nhà mình có thể giải trí cho cả nhà vào bất cứ lúc nào. Vì vậy, chi phí này cũng chấp nhận được”.
NHÀ ĐÀI ĐÁP ỨNG NHU CẦU
Nói về tình hình người dân đô thị lơ là với ăng ten, các nhà đài cho biết: Truyền hình sử dụng cột ăngten thu sóng ngoài trời được các hộ gia đình dựng trên nóc nhà từ xưa nay có tên là công nghệ tương tự mặt đất (còn gọi là truyền hình analog) sẽ không được các nhà đài sử dụng. Lý do là công nghệ này đã quá lạc hậu, các kênh hay bị nhiễu sóng khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa mưa bão, chất lượng hình ảnh, âm thanh hạn chế… Thay vào đó, các nhà đài từng bước chuyển sang phát sóng các kênh theo công nghệ số mặt đất, chuẩn DVB-T2 theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo lý giải của Cục Tần số Vô tuyến điện, việc chuyển đổi này đem lại nhiều lợi ích, người xem sẽ xem được các kênh truyền hình có chất lượng cao hơn so với công nghệ truyền hình tương tự nhờ âm thanh và hình ảnh trung thực, sắc nét, không bị nhiễu, muội hay bóng mờ như truyền hình tương tự. Về mặt cơ quan quản lý, nếu trên cùng một tần số 8 MHz, công nghệ truyền hình tương tự chỉ cho phép truyền tải một kênh, thì với công nghệ DVB-T2 có thể truyền tải khoảng 20 chương trình với chất lượng SD. Khi chuyển đổi toàn bộ, ngành vô tuyến sẽ dư được một phần băng tần và có thể dùng để phát triển công nghệ thông tin di động, chẳng hạn như công nghệ 4G trong tương lai.
LÀM GÌ KHI CÁC KÊNH TRUYỀN HÌNH BIẾN MẤT?
Nếu những hộ gia đình mua ti-vi các loại (sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước) có ngày sản xuất từ ngày 1–4–2014 trở về sau, kích cỡ 32 inch trở lên sẽ được tích hợp thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình theo chuẩn sản phẩm. Bộ phận thu này cho phép người xem có thể xem tới 60 đến 75 kênh truyền hình trong nước miễn phí.
Ở hầu hết các thành phố khi thực hiện đề án chuyển đổi này đều có chính sách hỗ trợ chi phí mua thiết bị cho những hộ nghèo, hộ không có điều kiện tài chính để có thể tiếp tục được xem các kênh truyền hình miễn phí trong nước.
Tại các cửa hàng chuyên kinh doanh ti-vi, đầu máy, điện gia dụng, đầu thu DVB-T2 đang được bán với giá gần 600.000 đồng để các ti-vi đời cũ sản xuất trước 2014, có thể tiếp tục xem những kênh bị ngưng sóng. Nói về hiệu quả sử dụng những đầu thu này, anh Trần Hữu Công, ngụ tại đường TC13, P. Tân Chánh Hiệp, Q. 12, TP. HCM, cho biết cách đây vừa đúng một tuần, ti-vi nhà anh không thể bắt sóng được kênh VTV6. Do không đủ tiền mua ti-vi mới lại đang mùa Euro, anh Công phải mua đầu thu DVB-T2 với giá gần 600.000 đồng để có thể tiếp tục xem những kênh bị ngưng sóng. “Nhờ đầu thu, tôi thấy hình ảnh nét hơn, âm thanh chuẩn hơn và không bị nhiễu sóng khi trời mưa”, anh Công nhận xét.
ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN DẪN
Đề án do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động từ 1–4– 2014 và kết thúc năm 2020.
Giai đoạn đầu: thực hiện tại 5 thành phố: Hà Nội (cũ), TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Giai đoạn 2: trước ngày 31–12– 2016 tại 26 tỉnh như Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp…
Giai đoạn 3: trước ngày 31– 12–2018 ở 18 tỉnh thành khác, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau…
Đợt cuối: trước ngày 31–12– 2020 ở các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
THẾ GIỚI: Hiện tại có khoảng 47 quốc gia trên thế giới đã thực hiện chuyển đổi sang truyền hình số. Hầu hết các quốc gia đều tắt sóng theo từng khu vực giống như Việt Nam đang thực hiện. Mỹ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới hoàn thành chuyển đổi toàn bộ sang truyền hình số từ năm 2009. Sau đó là Nhật, Canada, một số quốc gia Ả Rập, Đức, Anh, Ireland, Úc. Đặc biệt có những quốc gia như Hà Lan thực hiện chuyển đổi trên toàn quốc vào cùng một thời điểm, ngày 11–12–2006, tất cả các kênh analog đồng loạt tắt sóng. Các nước cũng thường hỗ trợ gia đình có thu nhập thấp, ví dụ Hàn Quốc hỗ trợ từ 45.000 won (850.000 đồng).
Tiếp Thị Gia Đình