Nước Anh rời khỏi EU: Những điều được và mất

Tương lai nước Anh rồi sẽ ra sao sau khi người dân nước này bỏ phiếu biểu quyết tán thành cho Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua?

Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố vào ngày 24−6, nước Anh quyết định nói lời chia tay với EU, cùng rất nhiều dự đoán về tương lai nước này rồi sẽ đi về đâu, liệu nền kinh tế nước Anh có thật sự suy thoái, tình hình chính trị có được giữ vững và cuộc sống người dân sẽ như thế nào?

Thật khó mà khẳng định nước Anh rồi sẽ ổn sau khi rời khỏi EU, hoặc như dư luận đang bàn tán xôn xao rằng, việc nước Anh rời khỏi EU sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ sau đó mà bản thân nước Anh không thể giải quyết nổi một sớm một chiều. Còn một số nhà bình luận thể thao trên hàng loạt các trang mạng xã hội lại nói vui rằng, Anh rời khỏi EU, Premier League (Giải bóng đá ngoại hạng Anh) chẳng khác gì “giải làng”.

Thế nên, chẳng có một ai đưa ra một lời tiên đoán chính xác về tương lai nước Anh sau này. Nhưng nếu dựa trên nhiều bài phân tích chung từ các số liệu và nguồn khác nhau, mỗi người chúng ta sẽ thấy được toàn cảnh “bức tranh” của Vương quốc Anh qua nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kinh tế

Nền kinh tế của Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, chịu tổn thất 100 tỷ bảng, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba EU, GDP sẽ giảm 4−10% do thất thu về thương mại và tài chính.

Theo ước tính, mỗi người dân Anh sẽ mất khoảng 3.200 USD khi không còn nhận được hỗ trợ thuế. Hơn nữa, việc chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên vì đồng bảng mất giá một cách kỷ lục từ năm 1985 đến nay.

Tuy nhiên, nước Anh sẽ bớt đi một gánh nặng là hàng năm phải trả một khoảng chi phí khá lớn, đóng góp vào ngân sách cho mái nhà chung EU. Năm ngoái, Anh phải trả 13 tỷ bảng cho EU, nhưng sau đó nhận lại 4.5 tỷ bảng trong giá trả chi tiêu.

Ai cũng biết EU là một thị trường riêng biệt, mà trong đó không có thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. “Hơn 50% xuất khẩu của chúng tôi đều đi đến các nước EU và các thành viên trong khối EU cho phép chúng tôi có tiếng nói vào việc thiết lập những quy định trong các lần giao dịch thương mại”, Sky News cho hay.

Chính vì thế, Anh cũng được hưởng lợi từ những giao dịch thương mại giữa EU và các cường quốc khác. “EU hiện đang đàm phán với Mỹ để tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, điều sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp Anh”, theo BBC.

Dĩ nhiên, những quyền lợi trên cũng sẽ tan biến khi Anh không còn là thành viên của EU. Tệ hại hơn, Anh có nguy cơ mất đi một số quyền lợi đàm phán, nhưng thay vào đó, Anh được tự do thiết lập các thỏa thuận thương mại của mình mà không có một sự ràng buộc khó khăn nào từ EU.

Lãnh đạo UKIP Nigel Farage cho rằng, Anh có thể làm theo sự chỉ đạo của Na Uy, trong đó có quyền gia nhập vào các thị trường đơn lẻ nhưng không bị ràng buộc bởi luật lệ khắc nghiệt của EU về các lĩnh vực như nông nghiệp, pháp luật và các dịch vụ nhà cửa.

Ngoài ra, London được coi là “lá phổi”, là “trái tim” tài chính của châu Âu và là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu, nên việc rời EU sẽ khiến Anh mất đi vai trò trọng yếu khi London vừa mới được bình chọn là trung tâm tài chính lớn nhất hành tinh vào tháng 4 năm 2016.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU là thương mại tự do giữa các quốc gia trong khối. Mậu dịch tự do giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn các nước khác ở châu Âu. Theo nhiều lãnh đạo trong giới doanh nghiệp, lợi ích này có thể đã mang lại hàng tỷ bảng cho các công ty xuất khẩu. Nhưng khi Anh rời khỏi EU, sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh.

Cơ hội việc làm

Những ảnh hưởng của việc rời khỏi EU tác động lên cơ hội việc làm tại Anh đều phụ thuộc vào mức độ thay đổi phức tạp trên các lĩnh vực: Thương mại, vốn đầu tư nước ngoài và những người dân nhập cư.

Sẽ có khoảng 3 triệu việc làm “bốc hơi” sau khi Anh rời khỏi EU. Nếu như các vụ giao dịch thương mại và những nguồn đầu tư nước ngoài giảm mạnh sau Brexit, nhiều việc làm sẽ không còn có thể tiếp tục tồn tại, sẽ có một cuộc cắt giảm nhân sự lớn xảy ra. Ngược lại, những công việc mới, ngành nghề mới sẽ được kiến tạo, mở ra những cơ hội vô cùng quí giá cho người dân nước Anh.

Chính trị

Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận rằng, ông không hề muốn cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, vì tất cả những gì ông làm là đều giữ vững sự ổn định cho nước Anh, và khẳng định vị thế chính trị của Anh ở châu Âu.

Theo ông Kirkegaard, Brexit có thể sẽ dẫn đến một sự thay đổi căn bản trong chính nước Anh. Đất nước này được gọi là “liên hiệp” bởi bao gồm 4 quốc gia: Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland. Việc Vương Quốc Anh rời khỏi EU, sự thống nhất này sẽ đối mặt với nguy cơ tan rã bởi quan điểm khác nhau về EU.

Các cuộc thăm dò ý kiến đã chỉ ra rằng, phần lớn người dân Scotland ủng hộ ở lại EU. Hơn nữa, Scotland đã nhiều lần có ý định ly khai khỏi Vương Quốc Anh.

Ông Kirkegaard dự đoán, việc Vương Quốc Anh rời khỏi EU sẽ tiếp thêm sức mạnh cho phe đòi ly khai ở Scotland. Nguy cơ khu vực này rời khỏi Vương Quốc Anh là rất lớn. Nếu thế, trong nội bộ chính trị của Anh sẽ không thể nào yên ắng trong một thời gian dài tới.

Vấn đề di cư rắc rối

Có một vấn đề nan giải đó là công dân của một nước thành viên của EU có quyền sinh sống và làm việc tại bất cứ nơi nào trong khối EU. Do đó, khi Anh rời khỏi EU, việc tự do đi lại sẽ trở nên rất khó khăn và rắc rối.

Hiện có khoảng 1,2 triệu người Anh sống ở các nước EU, khoảng 3 triệu dân EU đang sinh sống ở Anh. Có thể nước Anh sẽ đàm phán một hiệp ước mới với EU để tiếp tục cho phép di chuyển tự do giữa Anh và EU. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến Anh muốn rời EU chính là việc nhiều người Anh không muốn tiếp tục đón tiếp những công dân EU, đặc biệt là từ những nước nghèo, đến Anh. Do vậy, chính phủ Anh có thể sẽ buộc phải từ bỏ việc tiếp tục chính sách này với EU. Nếu vậy, những người di chuyển đến hoặc từ nước Anh sẽ phải có hộ chiếu và tuân thủ các thủ tục về cư trú khác. Một số người dân EU sẽ không thể tiếp tục sống và làm việc tại Anh được nữa.

Vấn đề an ninh của một quốc gia

Bộ trưởng việc làm và hưu trí Anh, thủ lĩnh của đảng Bảo thủ, Iain Duncan Smith, cho rằng: “Chúng ta đang để một cánh cửa mở, vô tình chào đón những tên khủng bố vào đất nước ta nếu như vẫn tiếp tục cho Anh ở lại EU vì chính sách tự do đi lại và cho phép nhập cư những công dân đến từ các nước thành viên EU”. Chính vì điều này, nhiều người con e ngại rằng, liệu nước Anh sẽ vẫn giữ được tính an toàn cho người dân và chắc chắn sẽ không có vụ khủng bố nào xảy ra nếu như EU đồng ý cho Thổ Nhĩ Kì gia nhập vào ngôi nhà chung châu Âu? Không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, nhưng tính an toàn và tính mạng của người dân vẫn luôn là quan trọng nhất vì thế người dân Anh đã chọn cách nói lời tạm biệt với EU.

Tương lai của Anh rồi sẽ như thế nào, trở nên xấu đi hay tốt hơn sau khi rời khỏi EU là do cách nhìn nhận của mỗi người. Nhưng chắc chắn một điều rằng nước Anh vẫn luôn tồn tại cùng với một nền văn hóa đặc sắc không bao giờ đổi thay.

Bài: Mai Lộc

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua