Theo tin từ BBC, sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra vào ngày 23−6, nước Anh quyết định rời khỏi EU với phần trăm số phiếu biểu quyết ủng hộ là 52%, 48% phản đối.
Cả London và Scotland đều ủng hộ việc nước Anh ở lại với EU, tuy nhiên, ở phía bắc nước Anh, số phiếu bình chọn Anh ở lại EU có tỷ lệ quá thấp.
Kết quả kiểm phiếu trong đó nước Anh quyết định rời khỏi EU đã làm cho tiền tệ nước này rớt giá kỉ lục so với đồng USD kể từ năm 1985 đến nay.
Ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quả là “một ngày tồi tệ với châu Âu”. Còn cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb xem đây là “cơn ác mộng” đối với các lãnh đạo châu Âu.
Kết quả này còn có thể làm rung chuyển liên minh 28 nước khi các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lớn cho nền kinh tế, không chỉ riêng ở Anh mà còn là một điều khủng khiếp cho cả EU.
Trước đó, cũng có nhiều nguồn thông tin dự đoán rằng nếu Anh rời khỏi EU sẽ gây ra một cuộc hỗn loạn chính trị lớn trong nội bộ nước Anh, tạo sức ép nặng nề lên Thủ tướng David Cameron, buộc ông phải từ chức, The Wall Street Journal đưa tin.
Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, ông Andrew Bridgen, cho rằng ông Cameron nên ở lại và tiếp tục làm Thủ tướng để giữ vững sự ổn định và trấn an người dân nước này.
Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và Thị trưởng London Boris Johnson đã viết một lá đơn yêu cầu ông Cameron nên tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, cho dù kết quả bầu chọn sau cuộc trưng cầu dân ý có như thế nào, theo BBC.
Chính phủ Anh cho biết, họ sẽ đàm phán lại các mối quan hệ giao thương trong tương lai với EU và 6 thương vụ mới với các nước không phải là thành viên của khối Liên minh châu Âu, ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi EU qua kết quả kiểm phiếu của cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử thế giới này.
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình