Tăng cường 4 vi dưỡng chất vào thực phẩm

Để nâng cao sức khỏe của người dân, chính phủ ban hành và triển khai Nghị định số 09/2016/NĐ−CP về việc tăng cường 4 vi dưỡng chất vào thực phẩm

Tăng cường 4 vi dưỡng chất vào thực phẩm không chỉ nhằm nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm vào phục vụ lợi ích vì cộng đồng.

Triển khai Nghị định tăng cường 4 vi dưỡng chất vào thực phẩm

Nghị định 09/2016/NĐ−CP được ban hành vào ngày 28−1−2016 và bắt đầu triển khai trong thời gian gần đây. Nghị định quy định tăng cường 4 vi dưỡng chất vào 3 loại thực phẩm, cụ thể:

−  Tăng cường i-ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn khác do thiếu i-ốt gây ra.

−  Tăng cường sắt vào bột mì để phòng, chống thiếu máu thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ.

−  Tăng cường kẽm vào bột mì để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục.

−  Tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để phòng chống bệnh khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng, do thiếu vitamin, tăng cường sức đề kháng cơ thể.

Nguyên nhân là do thành phần vi dưỡng chất có trong thức ăn qua các năm có dấu hiệu tăng nhưng vẫn chưa đạt được mức chuẩn.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam năm 2014, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn khá cao. Cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bi thiếu cân (14,5%), 1 trẻ bị thấp còi (24,9%).

Bên cạnh khẩu phần ăn không đảm bảo thì chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng suy dịnh dưỡng ở trẻ em.

Thống kê năm 2015, với đối tượng phụ nữ có thai: có 32,8% thiếu máu và thiếu sắt, 80,3% thiếu kẽm 34,8% tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ..

Việc thiếu các chất dinh dưỡng gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt ở trẻ em. Một số trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng, còi xương, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.

Vì thế để nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam và quan trọng hơn là sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Chính phủ đã ban hành và triển khai nghị định về việc tăng cường 4 vi dưỡng chất trong thực phẩm. Tuy nhiên tỉ lệ trẻ em và phụ nữ mang thai thiếu chất dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi, nông thôn. Những khu vực này thường nhận thức của người dân về sức khỏe chưa được nâng cao. Vì thế để đảm bảo người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai và trẻ em được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng có liên quan đến muối i-ốt, bột mì và dầu ăn phải tuân thủ theo nghị định của chính phủ.

Các thực phẩm bổ sung giàu vi chất dinh dưỡng

Tuy nhiên để có thể tăng cường 4 vi dưỡng chất vào thực phẩm, các doanh nghiệp cần phải có thời gian để nghiên cứu quy trình sản xuất cũng như cân đối giá cả sao cho phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Vì thế trong thời gian chờ đợi kết quả chính thức về việc tăng cường 4 vi dưỡng chất cho các loại thực phẩm muối ăn, bột mì, dầu ăn, bạn có thể sử dụng các thực phẩm sau đây để tăng cường vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.

1. Thực phẩm tăng cường i-ốt

Lượng i-ốt cần thiết mỗi ngày cho từng người khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi. Đối với người trưởng thành, tỉ lệ này sẽ là 150 microgram, trẻ em dưới 1 tuổi sẽ là 110−130 microgram, phụ nữ mang thai là 220 microgram và phụ cho con bú là 290 microgram. Sau đây là một số thực phẩm giàu i-ốt bạn có thể sử dụng:

−  Sữa: Một ly sữa mỗi ngày sẽ cung cấp khoảng 56 microgram i-ốt.

−  Rong biển khô: Với 5g rong biển khô sẽ cung cấp 4,5 miligram i-ốt.

−  Tôm: Sử dụng 75 gram thịt tôm mỗi ngày sẽ cung cấp cho bạn 35 microgram i-ốt.

−  Trứng luộc: Một quả trứng sẽ cung cấp khoảng 12 microgram i-ốt.

−  Yaourt: 1 hũ sữa sẽ cung cấp 154 microgram i-ốt.

2. Thực phẩm tăng cường sắt

Lượng sắt cần thiết mỗi ngày phụ thuộc vào từng độ tuổi và giới tính từng người. Nhìn chung, tỉ lệ này đối với trẻ dưới 6 tháng là 0,27 miligram, trẻ dưới 1 tuổi là 11 miligram, người trưởng thành là 8 miligram, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 18 miligram, phụ nữ đang mang thai là 27 miligram nhưng khi cho con bú, tỉ lệ này giảm xuống còn 9 miligram.

Sau đây là một số thực phẩm giàu chất kẽm bạn có thể sử dụng để bổ sung vi chất (đo lường trên 100 gram khối lượng):

−  Gan động vật: 23 miligram.

−  Sô cô la đen: 11,9 miligram.

−  Cải bó xôi: 3,57 miligram.

−  Thịt bò: 2,9 miligram.

−  Đậu nành: 5,7 miligram. Tuy nhiên nếu đun sôi, chất sắt sẽ giảm đi ít nhiều.

tang cuong 4 vi duong chat hinh anh 1

3. Thực phẩm tăng cường kẽm

Tùy theo từng độ tuổi, lượng kẽm cần thiết cho mỗi ngày của từng người sẽ khác nhau. Cụ thể, tỉ lệ này đối với: trẻ em dưới 1 tuổi là 2−3 miligram, người trưởng thành từ 8-11 miligram và phụ nữ mang thai và cho con bú là từ 11−13 miligram. Sau đây là một số thực phẩm giàu chất kẽm bạn có thể sử dụng để bổ sung vi chất (đo lường trên 100 gram khối lượng):

−  Thịt bò: 4,18 miligram.

−  Sô cô la đen: 9,6 miligram.

−  Hạt bí: 7,81 miligram.

−  Hạt dưa: 10 miligram.

−  Thịt heo: 6,72 miligram.

4. Thực phẩm tăng cường vitamin A

Lượng vitamin A cần đủ cho một ngày tùy thuộc vào độ tuổi. Trung bình tỉ lệ này đối với người trưởng thành sẽ là 10.000 IU, đối với trẻ em dưới 8 tuổi sẽ là 2000−3000 IU. Sau đây là một số thực phẩm giàu vitamin A bạn có thể sử dụng để bổ sung vi chất:

−  Cà rốt: 65 gram cà rốt sẽ cung cấp 10191 IU vitamin A.

−  Khoai tây đỏ: một củ khoai tây khoảng 120 gram sẽ cung cấp 21909 IU vitamin A.

−  Dầu gan cá: 1 muỗng dầu gan cá sẽ cung cấp 14000 IU vitamin A.

−  Cà chua: 1 trái cà chua khoảng 100 gram sẽ cung cấp 1025 IU vitamin A.

−  Đa phần các loại rau củ, trái cây đều chứa rất nhiều vitamin A nên đó là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng này tốt nhất mà bạn nên sử dụng.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua