Thượng viện Mỹ bác bỏ 4 đề xuất kiểm soát súng đạn sau vụ Orlando

Sau hôm bỏ phiếu 20–6, thượng viện Mỹ đã từ chối kế hoạch thắt chặt kiểm soát súng đạn và việc hạn chế bán vũ khí cho những người trong danh sách khủng bố

Thượng viện Mỹ đã bác bỏ kế hoạch thắt chặt kiểm soát súng đạn, bao gồm cả việc hạn chế bán vũ khí cho những người trong danh sách khủng bố, một trong 4 đề xuất được đưa ra trước Thượng viện sau khi 49 người chết trong cuộc tấn công vào một hộp đêm đồng tính ở Orlando.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 20–6, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bà Feinstein, đã đề xuất kiểm tra lý lịch hình sự 5 năm gần nhất của một người để xem người đó có liên quan đến khủng bố hay không. Tuy nhiên, đề xuất trên chỉ có tỷ lệ 47 phiếu thuận và 53 phiếu chống vì phe Cộng hòa cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền của những người vô tình bị lọt vào danh sách có liên quan đến khủng bố.

Theo ABC News, vụ xả súng ở Orlando khiến 49 người chết hôm 12–6 sẽ không xảy ra nếu đề xuất trên được thông qua vì tay súng Omar Mateen từng bị FBI điều tra vì có liên quan đến khủng bố.

Hai đề xuất kiểm soát súng đạn khác cũng bị Thượng viện Mỹ bác bỏ, đó là đề xuất của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Chuck Grassley, chủ tịch Ủy ban tư pháp Thượng viện Mỹ, về việc tăng cường nguồn lực cho lực lượng kiểm tra lý lịch hình sự.

“Các đồng nghiệp của chúng tôi muốn thực hiện việc kiểm soát súng đạn vì tất cả những gì chúng ta nên làm là đấu tranh để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, nguyên nhân gốc rễ cho những gì đã xảy ra ở Orlando”, BBC dẫn lời ông John Cornyn, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Đề xuất cuối cùng không nhận đủ số phiếu để thông qua do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ trình lên, về việc tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng và đóng cửa toàn bộ những hội chợ súng vốn tạo điều kiện để việc mua vũ khí không bị phát hiện.

Theo Reuters, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bill Nelson Florida nói sau kết quả cuộc bỏ phiếu: “Tôi biết nói gì với cộng đồng người dân ở Orlando?”.

“Đáng buồn thay, những gì tôi sẽ nói với họ là Hiệp hội súng trường Quốc gia lại thắng một lần nữa”, ông Bill cho biết.

Còn qua phân tích của nhà báo Anthony Zurcher, từ BBC Washington, cho rằng chúng ta dễ dàng nhận thấy được sự chia rẽ giữa hai bên đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng leo thang khi họ chỉ biết cổ vũ, bảo vệ và bình chọn cho những dự luật của riêng mình, để rồi cuối cùng sau cuộc bỏ phiếu, những gì mà người dân nước Mỹ nhận được không có gì khác ngoài sự bác bỏ, từ chối các dự luật kiểm soát súng đạn từ Thượng viện Mỹ.

Nhà báo Anthony Zurcher cũng cho biết thêm trong bài phân tích của mình, đảng Cộng hòa đã cáo buộc đảng Dân chủ về việc tùy tiện ngăn chặn người dân thực hiện quyền hiến hợp sở hữu súng đạn của mình dựa trên danh sách bí mật những kẻ tình nghi khủng bố mà không thông qua sự giám sát tư pháp nào. Ngược lại, đảng Dân chủ cho rằng những đề xuất của đảng Cộng hòa còn quá lỏng lẻo.

Khi các thành viên hai bên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn đang “thụ động” trong chính vị trí của mình, đã có các nghiên cứu cho thấy người dân Mỹ đang ngày càng quan tâm và ủng hộ việc kiểm soát súng đạn ở một đất nước với hơn 310 triệu vũ khí.

Nhưng nước Mỹ rồi sẽ ra sao nếu như các thành viên của hai đảng vẫn chưa thống nhất và tìm ra giải pháp hợp lý để ngăn chặn, hạn chế việc mua bán vũ khí? Người dân Mỹ và những gia đình nạn nhận trong các vụ xả súng còn phải chờ bao lâu nữa để thoát khỏi trạng thái lo sợ, hồi hộp từng ngày? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hiệp hội súng trường quốc gia vẫn sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu sắp tới?

Bài: Mai Lộc

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua