Khi trẻ bị khiếm thính: Dấu hiệu và cách xử lý

Khi khiếm khuyết về nghe, trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp. Hãy tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết trẻ bị giảm thính lực và giúp trẻ bị khiếm thính sớm tìm giải pháp

Có đến 0,1 – 0,2% trẻ sơ sinh trên thế giới bị khiếm thính nặng. Trẻ bị khiếm thính nhẹ và vừa là 0,3 – 0,4%, tức là cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 3–4 trẻ khiếm thính. Trong đó, khiếm thính nặng và sâu là 1–2 trẻ. Y học hiện đại phát triển có thể mang lại niềm hy vọng mới cho các em.

Khi trẻ bị khiếm thính: Dấu hiệu và cách xử lý

NHẬN BIẾT SỚM TRẺ BỊ KHIẾM THÍNH

Khi 3–4 tháng tuổi, cổ của bé đã cứng cáp nên bé có thể ngóc đầu lên được. Nếu có âm thanh ở hướng nào, bé sẽ quay đầu theo hướng đó để tìm. 7–8 tháng tuổi, bé bắt đầu nói ê, a. Đó là những âm tự nhiên phát ra của thanh quản mà trẻ nào cũng có. Khi nghe, bé phát ra những âm “a… a… a” đầu tiên, bạn thường rất vui và khuyến khích bé lặp lại như “Gọi ba đi con, gọi bà đi con”. Đối với trẻ có thính giác bình thường, bé sẽ chỉnh âm “a… a… a” thành “ba, bà” hay “măm măm”.

Còn những trẻ bị khiếm thính từ trong bụng mẹ, bé không nghe nên không chỉnh được thành âm “ba, bà”. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ không nói được mà dân gian gọi là điếc câm. Thực chất, bộ phận phát âm của trẻ hoàn toàn bình thường. Có rất nhiều biện pháp can thiệp nhưng máy trợ thính là phương tiện đầu tay. Sau đó, trẻ cần được giáo dục đặc biệt để làm quen với âm thanh của máy phát ra và học để nói.

GIÚP TRẺ BỊ KHIẾM THÍNH NGHE HIỆU QUẢ

Máy trợ thính là thiết bị điện tử có khả năng xử lý và khuếch đại âm thanh nhằm trợ giúp cho người có khó khăn khi nghe và giao tiếp. Máy trợ thính được chỉ định sử dụng với người suy giảm sức nghe do tổn thương thần kinh ở tần số trung bình (từ 40dB trở lên).

Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ có nguy cơ nghe kém bẩm sinh (do mẹ mắc rubella lúc mang thai hoặc sử dụng thuốc gây ngộ độc với tai trong khi mang thai), nên đo thính lực cho trẻ ngay từ lúc mới sinh. Nếu phát hiện sớm trẻ bị mất hay giảm thính lực, bạn sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, từ sáu tháng đến ba tuổi rưỡi là thời điểm “vàng” để trẻ học nói, phát triển ngôn ngữ. Lúc này, não trẻ phát triển rất mạnh, có khả năng thu nhận cả triệu thông tin trong mỗi giây.

Vì vậy, nếu trẻ đeo máy trợ thính và được dạy trong giai đoạn này, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ rất cao, cơ hội nói như trẻ bình thường cũng nhiều hơn. Trường hợp trẻ giảm thính lực nhưng đang mắc các bệnh thực thể như viêm tai giữa, chảy mủ tai, nhiễm khuẩn vùng tai… không được chỉ định đeo máy trợ thính.

Có ba kiểu đeo máy chính: máy trợ thính sau tai, trước tai và trong ống tai. Để có một chiếc máy trợ thính phù hợp với con, bạn cần đưa bé đến các chuyên gia thính học khám và tư vấn. Đối với trẻ dưới 10 tuổi, máy thích hợp nhất cho trẻ là đeo sau tai vì dễ bảo quản đồng thời chi phí phù hợp.

Với máy trợ thính đeo sau tai, núm tai là bộ phận không có mạch điện. Do đó, bạn có thể dùng xà bông ít kiềm và nước để lau chùi. Chất lượng âm thanh chuẩn của máy trợ thính có thể duy trì trung bình từ 3–5 năm nếu máy được bảo quản tốt.

THÔNG TIN THÊM

Giá máy trợ thính từ 4—50 triệu đồng/cái.

Nếu nghi ngờ trẻ bị khiếm thính, bạn có thể đưa con đến khoa tai mũi họng tại các bệnh viện như Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương (78 Giải Phóng, Q. Đống Đa, Hà Nội), Bệnh viện Đà Nẵng (124 Hải Phòng, Thạch Thang, Đà Nẵng), Bệnh viện Quốc tế Thành Đô (số 3 đường 17A, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM) để khám.

PHÂN BIỆT ĐỘ KHIẾM THÍNH

Độ giảm thính lực rất nhẹ:

Độ giảm thính lực được hiển thị bằng đơn vị Decibels (Db): 11−25

Trở ngại khi giao tiếp bằng lời nói: Có chút khó khăn.

Độ giảm thính lực nhẹ:

Độ giảm thính lực được hiển thị bằng đơn vị Decibels (Db): 26−40

Trở ngại khi giao tiếp bằng lời nói: Có khó khăn khi nghe lời nói nhỏ hoặc lời nói ở xa.

♣ Độ giảm thính lực trung bình:

Độ giảm thính lực được hiển thị bằng đơn vị Decibels (Db): 41−70

Trở ngại khi giao tiếp bằng lời nói: Không thể nghe được những phát âm nhỏ, có khó khăn khi giao tiếp hội thoại.

Độ giảm thính lực nặng:

Độ giảm thính lực được hiển thị bằng đơn vị Decibels (Db): 71−90

Trở ngại khi giao tiếp bằng lời nói: Không thể nghe lời nói trong lúc giao tiếp, khó nghe với giọng nói lớn.

Độ giảm thính lực nặng:

Độ giảm thính lực được hiển thị bằng đơn vị Decibels (Db): Trên 91

Trở ngại khi giao tiếp bằng lời nói: Không thể nghe giọng nói lớn, khó nghe những âm thanh lớn.

BS. TRẦN QUANG PHÚC

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua