Vụ việc cô giáo tát trẻ mầm non xảy ra tại khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội khiến nhiều phụ huynh vô cùng phẫn nộ.
Phẫn nộ cô giáo tát trẻ mầm non
Theo đoạn clip được ghi lại, ở phút 1:20, trong lúc cô giáo cho trẻ ăn, trẻ có nôn lại thức ăn vào trong bát, cô giáo tức tối nhéo tai trẻ, đánh vào đùi trẻ vài cái và sau đó lôi trẻ vào góc khuất tát liên tiếp gần chục cái.
Sau đó, cô tiếp tục đút “không ngừng nghỉ” cho bé ăn. Khi trẻ ăn xong, cô còn mạnh tay xoay đầu trẻ để lau mặt và đánh trẻ vài cái.
Được biết, đứa trẻ trong clip là bé Đoàn Gia K (sinh năm 2013), đã học ba tháng tại trường mầm non tư thục Tuổi hoa (địa chỉ Phòng 419- CT6), nơi mà trẻ bị bạo hành.
Cha mẹ bé cho hay trong hai tháng gần đây, cháu có biểu hiện sợ đến lớp, quấy khóc không chịu đi học. Ban đêm cháu ngủ hay giật mình khóc thét. Trên người cháu cũng có vài vết bầm nhưng cha mẹ nghĩ là do trẻ chơi đùa trong trường. Cha mẹ hoàn toàn không hay biết bé đã bị bạo hành cho đến khi tận mắt xem clip.
Sau khi vụ việc xảy ra, cô giáo trong đoạn clip đã gửi lời xin lỗi đến gia đình và đính chính rằng chỉ tát học sinh chứ không đánh thêm bất cứ ở đâu.
Tuy nhiên, “Việc bạo hành trẻ ở bất kỳ đâu, dưới hình thức nào đều là hành vi không thể chấp nhận được”, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng giáo dục mầm non khẳng định.
Vì thế, trước vụ việc cô giáo tát trẻ mần non liên tiếp nhiều bạt tai, trong ngày 17−6, chính quyền sẽ tiến hành lập biên bản và đình chỉ cơ sở mầm non này.
Cẩn thận hơn với các trung tâm giữ trẻ
Trước vụ việc cô giáo tát trẻ mầm non xảy ra ở Hà Nội, các phụ huynh cần phải cảnh giác hơn khi đưa trẻ đi học ở các cơ sở mầm non tư nhân. Để tránh xảy ra trường hợp trẻ bị bạo hành, phụ huynh nên:
− Tìm hiểu kỹ về môi trường của trường học, quan tâm đến cách hành xử, dạy dỗ của cô giáo ở đây, hỏi thăm ý kiến của các phụ huynh đang gửi con.
– Khi bé ở nhà, bố mẹ dành nhiều thời gian trò chuyện để biết cuộc sống ở lớp của bé thế nào. Thường xuyên tâm sự với con, hỏi han kỹ lưỡng về từng cô giáo, bạn học… Nếu bé không trả lời, hãy kiên trì vì có thể bé sẽ vô tình nói ra.
– Thỉnh thoảng bạn đến nhà trẻ “kiểm tra” cô giáo đột xuất với các lý do như mang đồ ăn, quần áo cho trẻ… Điều này làm cho cô giáo không cảm thấy khó chịu khi bị giám sát mà bạn vẫn có thể quan sát được cách cô giáo chăm con của bạn.
– Khi đón trẻ về nhà, lúc chơi đùa và tắm rửa cho con, bạn cần chú ý đến cơ thể của con có vết bầm tím hay mẩn đỏ nào không. Nếu có, bạn không nên cho qua mà hỏi con hoặc cô giáo. Dù cô giáo có thể cũng không biết những vết đó từ đâu, nhưng cô giáo sẽ trông trẻ cẩn thận hơn để trẻ không xuất hiện thêm những vết bầm nào nữa.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình