Hàng trăm héc ta san hô bị tẩy trắng ở vùng biển Côn Đảo

Trái đất nóng lên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Hàng trăm héc ta san hô bị tẩy trắng đã xảy ra ở vùng biển Côn Đảo

Hơn 500 héc ta san hô bị tẩy trắng ở Côn Đảo, đó là thông tin mới được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông báo vào ngày hôm qua. Trước đó từ tháng 3–2016 đến nay, trên vùng biển Côn Đảo đã xảy ra hiện tượng các tập đoàn san hô bị tẩy trắng hàng loạt.

San hô bị tẩy trắng ở vùng biển Côn Đảo

Có 8 khu vực chính xảy ra tình trạng san hô bị tẩy trắng là: biển vịnh Côn Sơn, hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, biển Đầm Tre, biển Hòn Tre lớn, biển Ông Đụng và biển Hòn Tre nhỏ.

Các loài san hô bị tẩy trắng bao gồm san hô cành, san hô khối, san hô phiến và san hô nấm. Trong đó, nhóm loài san hô cành, khối, phiến bị tẩy trắng nhiều nhất. Độ sâu san hô bị tẩy trắng từ 3 đến 15 mét.

san ho bi tay trang hinh anh 1

San hô chết sau khi bị tẩy trắng

Tỷ lệ san hô bị tẩy trắng trung bình khoảng 30–40%, có những khu vực tỷ lệ bị tẩy trắng lên tới 70–80% như vùng rạn san hô mặt trước hòn Cau và Đầm Tre.

Nguyên nhân chính khiến tình trạng trên xảy ra là do nhiệt độ nước biển đang nóng dần lên hơn mức bình thường, ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino kéo dài.

Hiện tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các trạm kiểm lâm đóng ở những nơi có biển tiếp tục theo dõi diễn biến của hiện tượng san hô bị tẩy trắng.

Ngoài ra, Phòng Bảo tồn biển sẽ phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành điều tra chi tiết tỷ lệ san hô bị tẩy trắng, đề xuất những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo.

san ho bi tay trang hinh anh 2

Những nhánh san hô chưa bị tẩy trắng

Theo thống kê của các nhà khoa học, năm 1998 có đến 16% các rạn san hô trên toàn cầu bị chết bởi dịch tẩy trắng. Năm 2010 được xem là một trong những năm tồi tệ nhất của đại dịch này. Toàn bộ san hô tại vùng biển Indonesia đã bị tẩy trắng hoàn toàn. Cũng trong giai đoạn này, vùng biển Côn Đảo đã xảy ra tình trạng các tập đoàn san hô bị tẩy trắng và chết.

Theo các nhà nghiên cứu, san hô thường sống sót sau mỗi đợt bị tẩy trắng, tuy nhiên quá trình khôi phục rất chậm vì phải đối mặt với nhiều nguyên nhân khác như bệnh tật. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo trước khi san hô bị tuyệt chủng hoàn toàn, con người cần có ý thức hơn trong việc kiểm soát ô nhiễm và khai thác tài nguyên biển.

Để bảo vệ san hô, bạn cần làm gì?

♦ Không xả rác ra biển.

♦ Khi lặn biển chỉ nên nhìn san hô, không nên chạm vào.

♦ Không bẻ san hô.

♦ Tuân thủ các quy định về bảo vệ san hô.

♦ Không tham gia tiêu thụ san hô.

♦ Tham gia các chiến dịch bảo vệ san hô.

♦ Tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ san hô.

Bài: Ngọc Anh

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua