Những ngày gần đây, dọc Xa lộ Hà Nội hay các đường ven khu công nghiệp ở Q. Bình Tân, TP. HCM xuất hiện một vài người bán hàng rong kèm tấm biển quảng cáo to đùng “Chim rừng Miền Tây, đặc sản vùng sông nước” khiến những người đi đường chú ý và tấp vào mua. Với giá hơn 120.000 đồng/kg, những người tiêu dùng đang bị đánh lừa mua chim cút gà thải mà không hề hay biết.
Cắt mỏ, nhổ lông để biến gà con chết thành chim rừng
Theo tìm hiểu của phóng viên, những lời rao bán “chim rừng đặc sản miền Tây” thực chất chỉ là những con chim cút gà thải bị bệnh chết được người bán “hô biến” mà thành. Những con chim cút gà thải sau khi được các đầu nậu thu gom từ những trang trại về thường đã bị chết cách đó vài ngày. Thậm chí, có những cơ sở nhận cung cấp chim cút gà thải số lượng lớn từ kho hàng đông lạnh.
Sau khi mua về, những người bán này sẽ cho số chim cút gà thải vào một chiếc máy quay liên tục để “đánh bay” lớp lông mao vốn có. Cũng vì đã được “lột” sạch lông nên người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là chim rừng, đâu là gà con.
Để gia tăng sự tin cậy với người tiêu dùng, người bán hàng rong tiếp tục dùng đèn khò hoặc đuốc thui nhẹ lớp da bên ngoài cho chúng cháy xém để trông giống thịt rừng hơn. Mục đích của việc làm này là khiến bề mặt da của chim cút gà thải không còn nguyên vẹn như ban đầu để đánh đố người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi thui, lớp da bên ngoài của chúng sẽ săn lại và có màu vàng óng rất đẹp mắt.
Bước cuối cùng, những người bán hàng rong này tiếp tục cắt đi phần nhọn của mỏ và chân của chim cút gà thải để người tiêu dùng không thể phân biệt được. Đối với một số loại, họ để luôn mỏ và bảo đó là chim con nhưng người mua cũng không hề hay biết.
Ăn thịt chết mà ngỡ là chim tươi
Với giá thành chưa đến 10.000 đồng/kg, người mua lại phải bỏ ra hơn 110.000 đồng để mua một kg chim cút gà thải. Điều đáng nói là những con “chim rừng” này đã chết từ lúc nào không hay và mang trong mình vô số những mầm bệnh nguy hiểm. Theo bác sỹ Kim Huệ, Trưởng khoa Giáo dục Truyền thông của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, nguy cơ mắc phải các loại bệnh như cúm gia cầm, sán, ung thư, nhiễm độc… từ việc ăn các loại gia cầm đã chết là cực kỳ cao. Khi chết đi, những con vật này không được xử lý kịp thời nên dễ nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn phải. Ngoài ra, một số cơ sở còn tẩm ướp hoặc xử lý thịt chết bằng hóa chất độc hại cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu ăn phải.
Vốn chỉ được bán để làm cám hoặc thức ăn cho cá, những con chim cút gà thải đã chết ươn sình lại biến thành “đặc sản” của con người bằng những thủ đoạn mất nhân tính. Hãy là người tiêu dùng thông minh trước tình hình thực phẩm bẩn có nhiều biến động như hiện nay. Nếu không, chính bạn là người “tiếp tay cho giặc”, khiến những người cung cấp thực phẩm bẩn này có cơ hội kinh doanh.
Bài: Vương Huy Khôi
Tiếp Thị Gia Đình