Tết Đoan Ngọ ăn gì: 4 món ăn diệt sâu bọ miền nào cũng có

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày giết sâu bọ từ lâu đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt Nam. Cứ đến ngày này, người ta lại bàn nhau Tết Đoan Ngọ ăn gì, cúng gì cho thiêng?

Dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời nóng bức nhất, ông bà ta còn gọi là ngày “độc trời”. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, cứ ngày này hàng năm, người dân lại thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa. Bên cạnh đó, con người cũng chọn những món ăn hội đủ các đặc tính của đất trời để chữa bệnh và diệt trừ sâu bọ trong cơ thể.
Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ? vẫn là câu người ta hỏi thăm nhau vào dịp này.

Vậy ngày Tết Đoan Ngọ ăn gì?

BÁNH TRO

Tet doan ngo an gi: 4 mon an diet sau bo mien nao cung co hinh anh 1

Nếu hỏi Tết Đoan Ngọ ăn gì thì câu trả lời được nhắc đến đầu tiên đó chính là bánh tro. Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo ông bà xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.

CƠM RƯỢU NẾP

Tet doan ngo an gi: 4 mon an diet sau bo mien nao cung co hinh anh 2

Cũng như bánh tro, cơm rượu nếp là món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ông bà xưa tin rằng trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, và lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch. Để diệt trừ sâu bọ phải ăn cơm rượu nếp lúc bụng còn đang đói để làm cho các loại “sâu bọ” “say” mà chết đi. Và cho đến ngày nay, thói quen ăn cơm rượu nếp trong ngày Tết Đoan Ngọ đã trở thành một tập tục của nhiều người Việt trên các vùng miền.

Ngay buổi sáng mồng 5, sau khi thức dậy, đánh răng rửa mặt, mỗi người sẽ ăn một bát cơm rượu để diệt sâu bọ trong người. Ở một số vùng của miền Trung, người ta có thể cắt một vài lát chanh mỏng, áo qua đường cho bớt chua và nuốt chửng. Họ quan niệm rằng, sâu bọ trong người sẽ chết khi ăn trái cây chua vào buổi sáng.

TRÁI CÂY ĐÚNG MÙA

Tet doan ngo an gi: 4 mon an diet sau bo mien nao cung co hinh anh 3

Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa cũng được xem là một phương thuốc diệt sâu bọ. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Các loại trái cây mùa hè như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu cũng là các thứ quả không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết Đoan Ngọ.

Ở những vùng nông thôn, tháng 5 cũng chính là lúc trái cây trong vườn chín rộ. Và nếu trong vườn có loại trái cây nào người nhà sẽ hái mỗi cây một vài quả để thắp nhang cúng đất trời, tổ tiên đồng thời cầu cho mưa thuận gió hoà, xua đuổi sâu bọ để những cây cối này trong vườn đơm hoa kết trái, sai quả.

THỊT VỊT 

Tet doan ngo an gi: 4 mon an diet sau bo mien nao cung co hinh anh 4

Món thịt vịt trước đây được xem là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, tuy nhiên càng ngày, thịt vịt càng phổ biến ở nhiều vùng miền trên cả nước.

Người ta cho rằng thịt vịt có tính hàn, chất mát, ngọt có tác dụng làm chuyển động phong huyết, tăng thêm năng lực. Đồng thời, thịt vịt cũng chữa nóng sốt cao và hạ nhiệt. Do đó, trong ngày Tết Đoan Ngọ, khí trời nóng nực, nên người ta dùng thịt vịt để quân bình nhiệt – hàn.

Mặt khác nữa, có người lại cho rằng bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, thịt vịt béo hơn và không có mùi hôi. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Như vậy, bạn đã biết Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ? Đúng là có rất nhiều món ăn phong phú, đa dạng theo mỗi vùng miền. Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, người Việt vẫn duy trì nét đẹp văn hóa, tâm linh và trở thành truyền thống tự bao đời.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua