Chiều 6−6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục & Đào tạo đến thăm trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH). Chia sẻ với Ban giám hiệu và sinh viên trường, Bộ trưởng cho biết tới đây Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có quyết định về việc sáp nhập, giải thể trường đại học kém chất lượng, tập trung phát triển các trường đang phát triển nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng ở bậc giáo dục bậc đại học.
Vì sao phải sáp nhập, giải thể trường đại học kém chất lượng?
Trong những năm 2001 – 2010, trên cả nước có rất nhiều cơ sở giáo dục ra đời, trong đó nhiều nhất là ở bậc đại học. Nguyên nhân là do trong giai đoạn này, BộGiáo dục & Đào tạo chủ trương thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 200 sinh viên/vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020.
Tuy nhiên, tỷ lệ này lại tăng quá nhanh trong khi chất lượng lại không đảm bảo. Tháng 3–2014, bộ đã gửi công văn đến các cấp quyết định dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng. Song hiện nay trên cả nước vẫn có khoảng 470 trường đại học, cao đẳng và con số cử nhân thất nghiệp lên tới 200.000 người. Con số này bao gồm cả những trường trung cấp nâng cấp lên cao đẳng hoặc cao đẳng lên đại học.
Việc dễ dàng thành lập cơ sở mới hoặc nâng cấp làm cho các trường tập trung chạy đua số lượng mà không tập trung nâng cao chất lượng. Điều này dẫn đến hệ lụy một số trường không có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng như không có đủ giảng viên để giảng dạy. Thậm chí một số nơi không tuyển sinh đủ chỉ tiêu mặc dù đã giảm mức điểm chuẩn, áp dụng hình thức xét tuyển học bạ, điểm thi trung học phổ thông nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Một số trường tư buộc phải bán cho chủ đầu tư khác do tình hình hoạt động không mấy thuận lợi.
Trong khi đó các trường cao đẳng, đại học uy tín vẫn luôn đủ chỉ tiêu. Có thể thấy, hiện nay khi thí sinh có quá nhiều lựa cho khi đăng ký dự tuyển vào các trường cao đẳng, đại học thì cạnh tranh của các trường không chỉ về ngành nghề đa dạng, mức học phí mà còn phải tập trung nâng cao uy tín và chất lượng. Bằng chứng cho thấy hiện nay một số trường công lập có mức học phí khá cao nhưng vẫn có nhiều thí sinh tham gia dự tuyển.
Vì thế để giải quyết vấn đề trên, sắp tới Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có chủ trương giải thể trường đại học kém chất lượng để tập trung phát triển các trường hoạt động có hiệu quả hơn.
Tìm lời giải cho bài toán giáo dục bậc đại học
Tuy nhiên, việc sáp nhập hay giải thể trường đại học kém chất lượng thực chất chỉ là việc giảm số lượng trường đại học. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là làm cách nào để nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên. Mặc dù một số trường uy tín, có tiếng nhưng chất lượng sinh viên có đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và trên thế giới hay không.
PGS −TS. Phạm Văn Miên – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng: “Quan trọng hơn là quy hoạch lại các ngành đào tạo. Mấy năm vừa qua, rất nhiều trường thực hiện đào tạo đa ngành, việc mở ngành không chuyên chỉ vì chạy theo nhu cầu thị trường đã làm giảm chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực. Ví dụ, ngành kế toán, trường nào cũng đua nhau đào tạo, hậu quả là sinh viên chuyên ngành này ra trường thất nghiệp quá nhiều”.
Cốt lõi của giáo dục là đào tạo con người. Muốn thay đổi nền giáo dục không phải ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu trên tất cả các phương diện.
Hy vọng bên cạnh chủ trương sáp nhập, giải thể trường đại học kém chất lượng, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có những chủ trương khác nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình