Tại buổi làm việc với Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì bàn về vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo tại TP. HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo về tình hình dạy và học ở TP. HCM. Theo ông Sơn, mỗi năm thành phố dành cho giáo dục 26% tổng ngân sách chi thường xuyên và đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, 100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh trong các năm gần đây (đến 65.000 học sinh/năm) nên số phòng học chưa đáp ứng yêu cầu. Trang thiết bị dạy học, khu vực phục vụ cho các hoạt động thể thao của học sinh chưa đủ. Ông Sơn cũng cho rằng chương trình giáo dục còn mang tính hàn lâm, quá tải, phân phối chưa hợp lý nên khiến cho việc học trở nên khó khăn, học sinh phải học nhiều và vẫn chưa thể xóa dạy thêm học thêm.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng mục tiêu của giáo dục là phải xây dựng cho học sinh sinh viên lý tưởng, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, gắn kết gia đình, biết tự lập và yêu thương chứ không phải chỉ là những người giỏi công nghệ thông tin hay các môn học khác.
Để đảm bảo cho chất lượng giáo dục, Bí thư Thăng đề nghị trong năm nay, TP. HCM phải kiên quyết xóa dạy thêm học thêm. Tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm trong trường học, mà chỉ dạy phụ đạo cho học sinh yếu tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Đồng thời, để không ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, cần chấm dứt ngay tình trạng chạy trường, chạy lớp vào đầu mỗi năm học.
Liên quan đến việc xóa bỏ dạy thêm học thêm, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận trong nhiều năm nay của cả những người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp đứng lớp và phụ huynh học sinh. Tiếp Thị Gia Định đã phỏng vấn một người mẹ có con đang học ở quận 7 (TP. HCM), chị cho rằng mình không cho con đi học thêm vì không tiện đưa đón nên đã thuê gia sư đến nhà kèm cho con. Còn lại, chị thấy vẫn có rất nhiều phụ huynh có nhu cầu bổ trợ kiến thức cho con. Họ tin tưởng các lớp học được mở tại trường. Đây là một nhu cầu chính đáng và nếu cho phép mở tại trường thì cũng hạn chế được tình trạng học sinh kéo đến nhà riêng của giáo viên để học “chui”.
Liên quan đến vấn đề xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường, một nghiên cứu sinh của Viện nghiên cứu giáo dục TP. HCM cho rằng, thay vì cấm dạy thêm và học thêm, chúng ta nên tìm cách tổ chức sao cho các lớp học ấy hài hòa về lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả nhà trường. Các trường có trách nhiệm tăng cường chất lượng dạy học, đầu tư trang thiết bị, niêm yết công khai danh sách giáo viên để học sinh và phụ huynh có quyền lựa chọn. Càng nhiều trung tâm thì vì áp lực cạnh tranh các trường sẽ cải tiến chất lượng của mình.
Đây là một vấn đề không mới nhưng lại là điều khiến phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đau đầu. Theo bạn, bạn nghĩ như thế nào về việc xóa bỏ tình trạng dạy thêm học thêm trong trường học?
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình