Vừng thường được dùng để trang trí và làm dậy mùi thơm của món ăn. Vị béo bùi, thơm lừng của hạt vừng rất dễ giúp bạn sáng tạo ra các món ăn đơn giản nhưng vẫn thu hút bé. Cùng tìm hiểu cách chế biến các món ăn từ hạt vừng cho bé nhà bạn nhé.
Tuy nhỏ nhắn nhưng hạt vừng lại chứa một lượng lớn các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể của trẻ. Đặc biệt, vừng đen và vừng trắng đều là nguồn cung cấp đồng khá dồi dào, bên cạnh đó còn có can-xi, man gan, ma-giê, sắt, phốt-pho, vitamin B1, kẽm và chất xơ.
1/4 cốc hạt vừng (khoảng 30g) sẽ cung cấp khoảng 74% giá trị dinh dưỡng của đồng, 31,6% ma-giê và 35,1% can-xi trong một ngày.
Ngoài ra, vừng còn là nguồn bổ sung mạnh mẽ các chất béo có lợi. Trong hạt vừng nhỏ bé chứa khoảng 40% chất béo không bão hòa đa nối đôi, 40% chất béo không bão hòa một nối đôi và chỉ có 18% a-xít béo bão hòa.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, vừng đen và trắng rất giàu omega-3 và omega-6, những a-xít béo thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất được, có tác dụng tạo năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, đồng thời giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu ăn (vitamin A, D, E, K…). Điều đó sẽ giúp trẻ bổ sung thể lực, hoạt động tối đa trong suốt ngày dài vui chơi và học tập.
Vừng đen còn cung cấp một lượng kẽm giúp xương luôn chắc khỏe, rất cần thiết cho sự phát triển khung xương ở trẻ trong các giai đoạn. Các chế phẩm từ vừng, đặc biệt là dầu vừng, cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ dùng thường xuyên. Dầu vừng cũng có tác dụng phòng viêm nướu, viêm nha chu và cao răng.
Mách bạn
Chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Huấn luyện Sống khỏe Powerliving TP. HCM, cho biết thêm: Vừng thuộc nhóm đạm và béo thực vật. Vì thế, bạn có thể bổ sung vừng vào khẩu phần ăn cho trẻ thường xuyên. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thể trạng của từng bé. Tốt nhất, mỗi tuần bạn nên cho con ăn các món ăn từ hạt vừng khoảng 2 — 3 lần.
Các món ăn từ hạt vừng thơm ngon cho trẻ
1. Bánh cam
200g bột nếp
100 khoai lang
160g đường
30g bột gạo
100g vừng trắng
150g đậu xanh cà
Dầu ăn.
Thực hiện
Bánh cam là một trong các món ăn từ hạt vừng với cách chế biến khá đơn giản. Cách thực hiện món này như sau:
Khoai lang luộc, lột vỏ, tán nhuyễn.
Nấu 200ml nước với 70g đường cho tan. Cho nước đường ấm từ từ vào bột nếp, bột gạo, khoai lang tán nhuyễn nhồi thành khối dẻo.
Đậu xanh cà nấu chín, tán nhuyễn, sên với 90g đường, vo thành viên.
Chia bột ra, cán mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lăn qua vừng, rán trong chảo ngập dầu ăn.
Bánh quy que
300g bột mì
150g bơ
175g phô-mai
1/2 thìa cà-phê muối
Lòng trắng trứng
Vừng đen, trắng.
Thực hiện
Trộn đều bột, bơ, phô-mai và muối với nhau thành hỗn hợp mịn.
Trải hỗn hợp bột ra mặt phẳng rồi cán thành hình chữ nhật, dày khoảng 5 – 7mm.
Đập trứng ra bát, chỉ lấy lòng trắng. Quét lòng trắng lên bề mặt bột, rắc hạt vừng đen và trắng lên tùy theo sở thích của bạn. Dùng dao cắt bột thành những que dài. Cho bánh vào lò nướng từ 8 – 10 phút ở 170°C.
Cháo hạt vừng
50g gạo nếp
50g hạt vừng trắng
Hạt nêm, muối, nước mắm
Một ít vừng trắng rang vàng.
Thực hiện
Gạo nếp vo sạch, thả hạt vừng vào nấu thành cháo, nêm gia vị vừa ăn.
Khi cháo chín, múc ra bát, rắc ít vừng rang lên. Chờ hơi nguội, cho bé dùng.
Mách nhỏ
Bạn có thể nấu cháo với vừng đen. Nếu không thích vị mặn, bạn cũng có thể nêm bằng đường.
Trường hợp trẻ ở độ tuổi ăn giặm, bạn xay nhuyễn vừng và nấu chung với bột gạo.
Chúc các bạn thành công với các món ăn từ hạt vừng cho bé yêu.
Bài: Nguyên Khánh
Tiếp Thị Gia Đình