Trong bài viết này, Tiếp Thị Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về hiện tượng ngộ độc chì và các cách phòng tránh ngộ độc chì.
CHÌ LÀ GÌ?
Chì là một kim loại mềm, nặng, độc hại và có thể tạo hình. Chì có màu trắng xanh khi mới cắt nhưng bắt đầu xỉn màu thành xám khi tiếp xúc với không khí. Chì dùng trong xây dựng, chế tạo xe hơi, đạn dược, thuốc nhuộm… Khi tiếp xúc ở một mức độ nhất định, chì là chất độc đối với động vật cũng như con người.
THẾ NÀO LÀ NHIỄM ĐỘC CHÌ?
Hiện tượng ngộ độc chì xảy ra khi một lượng chì nhất định tích tụ trong cơ thể, thường trong khoảng thời gian vài tháng hoặc vài năm. Thậm chí chỉ một lượng chì nhỏ cũng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ngộ độc chì chia làm 2 nhóm:
♠ Ngộ độc cấp tính: Làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương não cấp, nơ-ron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật.
♠ Ngộ độ mạn tính: Là ngộ độc tích lũy từ ngày này qua qua ngày khác trong cơ thể. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng, gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơ-ron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh của trẻ. Ngộ độc chì được coi là ngộ độc báo động và cần phải được kiểm soát đặc biệt ở Mỹ.
Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, với những tác động nghiêm trọng về mặt thể chất lẫn tâm lý. Nhiễm độc chì ở mức độ cao còn có thể gây chết người.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA NHIỄM ĐỘC CHÌ
Tình trạng nhiễm chì cao trong cơ thể một phần là do con người hít phải không khí bị ô nhiễm chì, hoặc trực tiếp “tích luỹ” chì vào cơ thể thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình. Cụ thể hơn, các tác nhân gây ra nhiễm độc chì bao gồm:
♦ Do đất, nước, không khí bị nhiễm chì;
♦ Do dùng thuốc uống, bôi có chì, lưu hành bất hợp pháp;
♦ Do thức ăn, đồ uống bị nhiễm chì hoặc chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng quy định;
♦ Nhà sơn bằng sơn có chì, các loại pin, máy quay phim, radio, máy tính;
♦ Đồ chơi có sơn chì, đạn chì;
♦ Mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc có hàm lượng chì cao.
TRIỆU CHỨNG NHIỄM ĐỘC CHÌ Ở NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ NHỎ
Ở trẻ nhỏ: Hiện tượng ngộ độc chì khiến trẻ có những bất thường về thể lực và trí tuệ, khả năng học tập kém, hay cáu kỉnh, sụt cân, ăn không ngon miệng, hay mệt mỏi và ì ạch, đau bụng, táo bón, giảm khả năng nghe. Nếu bị nặng, có thể bị liệt cơ, thiếu máu, co giật và hôn mê.
Ở người lớn: Biểu hiện nhiễm độc chì bao gồm: huyết áp cao, đau bụng, táo bón, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, đau đầu, mất trí nhớ, lơ mơ, lẫn lộn, sảng… Với người trong độ tuổi sinh sản, chì làm giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai.
Ngộ độc chì lâu ngày sẽ dẫn tới các bệnh trở thành mạn tính: bệnh về thận (suy thận…), tổn thương thần kinh ngoại vi, tổn thương não bộ… Ngộ độc chì mức độ nặng có thể dẫn tới tử vong.
PHÒNG NGỪA NHIỄM ĐỘC CHÌ NHƯ THẾ NÀO?
Sự gia tăng nồng độ chì trong máu có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu, hoạt động não suy yếu và khả năng tử vong tăng. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn và gia đình phòng ngừa hiện tượng ngộ độc chì:
♣ Đảm bảo trẻ rửa tay trước khi ăn cũng như sau khi chơi. Đặc biệt, không cho trẻ chơi nghịch đất trực tiếp. Hãy cho trẻ chơi đào bới tại khu chơi cát dành riêng cho trẻ.
♣ Lau sàn nhà bạn hay đồ đạc có bụi trong nhà bằng một chiếc giẻ lau ướt.
♣ Không cho trẻ nhỏ nhai và cho vào miệng những thứ được sơn từ sơn chứa chì.
♣ Một số sơn hay mỹ phẩm trong nhuộm tóc chứa chì, nên để cách xa trẻ em.
♣ Sử dụng những sản phẩm không chứa chì:
– Bạn nên kiểm tra nhãn mác sản phẩm dụng cụ bếp, vật dụng và các dụng cụ dự trữ thực phẩm để đảm bảo chúng không chứa chì.
– Thường xuyên kiểm tra danh mục các đồ chơi trẻ em bị thu hồi và xử lý vì ô nhiễm chì.
♣ Dùng nước máy trực tiếp hay nước tinh khiết khi pha sữa cho trẻ hoặc nấu ăn, vì những đường ống nước cũ có thể chứa chì mà rất dễ hấp thụ vào nước khi nước được làm ấm. Nếu nhất thiết phải dùng nước ấm, trước đó hãy để vòi chảy nước lạnh trực tiếp trong 2 phút rồi mới chuyển sang nước ấm.
♣ Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là xét nghiệm máu để xác định hàm lượng chì trong cơ thể khi có nghi ngờ hoặc khi có thành viên trong gia đình nghị nhiễm độc chì.
KHI PHÁT HIỆN BỊ NHIỄM ĐỘC CHÌ, CẦN PHẢI LÀM GÌ?
♠ Khi bạn hay người thân bị phát hiện ngộ độc cấp, cần phải cho nhập viện, dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu như Dimercaprol.
♠ Khi bị phát hiện ngộ độc mạn tính, cần loại bỏ khả năng tiếp xúc với chì (ví dụ như ở ngoài môi trường, chì có nhiều trong đất, cát, trong vật liệu xây dựng…). Nguồn nước phải kiểm tra có bị nhiễm chì hay không. Không cho trẻ tiếp xúc với pin. Cần bổ sung thêm sắt và canxi trong chế độ dinh dưỡng.
QUY TRÌNH XÉT NGHIỆM ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ NHIỄM ĐỘC CHÌ
Quy trình xét nghiệm đánh giá mức độ nhiễm độc chì phải trải qua các xét nghiệm độc chất chì trong máu và các xét nghiệm lâm sàng mới có thể nhận biết được.
Chỉ số xét nghiệm đánh giá mức độ nhiễm độc chì có 4 mức độ, bao gồm:
♦ Bình thường: Từ 0 đến dưới 10 mcg/dL
♦ Nhẹ: Từ 40 đến dưới 69 mcg/dL
♦ Trung bình: Từ 70 đến dưới 100 mcg/dL
♦ Nặng: Lớn hơn 100 mcg/dL
BẠN CÓ THỂ XÉT NGHIỆM ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ NHIỄM ĐỘC CHÌ Ở ĐÂU?
Tại Hà Nội: Trung tâm Chống độc − Bệnh viện Bạch Mai, 78 đường Giải Phóng, Q. Đống Đa.
Tại TP. HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, 201B Nguyễn Chí Thanh, P. 12, Q. 5; Bệnh viện Đại học Y dược, 215 Hồng Bàng, P. 11, TP. HCM.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình