Nhằm giảm tải tình trạng tiêu cực trong quá trình tuyển sinh cũng như đảm bảo chất lượng học sinh và hạn chế các kì thi, năm học 2016 − 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trương cấm các trường THCS thi tuyển sinh đầu cấp lớp 6. Tuy nhiên cho đến nay, chủ trương này vẫn còn gặp khá nhiều bất cập.
Trường học loay hoay đề ra các tiêu chí tuyển sinh đầu cấp
Do các trường THCS không được phép tổ chức thi tuyển nên việc tuyển sinh đầu cấp chủ yếu dựa vào điểm số trên học bạ của học sinh.
Theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, các môn học cấp tiểu học đều được đánh giá thông qua nhận xét là của giáo viên với hai mức Đạt hoặc Không đạt, ngoại trừ hai môn Toán, Văn được đánh giá bằng điểm số. Vì thế các trường THCS muốn xét tuyển chỉ có thể dựa trên điểm thi cuối kì của hai môn Toán, Văn. Tuy nhiên đa phần các em đạt điểm số gần như nhau với các con điểm 9 và 10, khiến cho việc phân loại trở nên khó khăn, đặc biệt đối với các trường trọng điểm, tỉ lệ học sinh đăng kí quá đông khiến cho các trường này phải đưa ra thêm các tiêu chí phụ khi tuyển sinh đầu cấp.
Như ở Hà Nội, trường THCS Lương Thế Vinh với chỉ tiêu 600 em nhưng lượng hồ sơ bán ra đã là 2.000 bộ, trường Marie Curie dự kiến tuyển 300 em nhưng hiện tại đã bán được 1.200 bộ hồ sơ.
Với lượng hồ sơ đông, các trường sẽ ưu tiên tuyển chọn các em có kết quả học tập cao nhất. Nếu bị trùng điểm, ưu tiên cho các em đạt giải cao trong các cuộc thi về Toán, Tin, Tiếng Anh,… một số trường còn tính điểm cộng cho cả giải thưởng của các cuộc thi văn hóa văn nghệ hoặc con của gia đình chính sách.
Còn ở TP. Hồ Chí Minh, tình hình cũng không kém phần căng thẳng. Với chỉ tiêu 200 em, trường THCS Vân Đồn năm nay chỉ tuyển những hồ sơ là học sinh trên địa bàn kèm theo các tiêu chí về điểm học tập, các giải thưởng và quá trình tham gia hoạt động phong trào.
Ngoài điểm cộng về các giải thưởng, trường THCS Nguyễn Văn Tố dự kiến xét thêm tiêu chí học lực của học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.
Thay vì tổ chức thi ba môn Toán, Văn, Anh như các năm trước, trường Trần Đại Nghĩa thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng một kì khảo sát môn Anh văn về các kiến thức khoa học, lịch sử, địa lí,…
Trước tình hình trên, để con em mình được vào học các trường điểm, nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách chạy đua theo thành tích.
Khi phụ huynh vào cuộc
Ngày nay tuyển sinh đầu cấp không phải là việc của riêng học sinh mà chính phụ huynh cũng đã vào cuộc, thậm chí còn mang tính quyết định.
Do những tiêu chí tuyển sinh ngày càng thay đổi nên gần đây, ngoài việc cho con đi học thêm, học ôn, các phụ huynh còn cho con đi luyện thi lấy bằng khen, chứng chỉ. Một số người còn khuyến khích con tham gia thật nhiều cuộc thi, kể cả những cuộc thi về năng khiếu như ca hát, nhảy múa.
Giúp con phát triển toàn diện là một điều tốt nhưng nhiều cha mẹ đã nhầm tưởng việc đó với việc bắt con mình học thật nhiều. Một phụ huynh chia sẻ rằng ngay từ đầu năm lớp 5 đã thuê gia sư về dạy, cho con tham gia hết tất cả cuộc thi Violympic, thi văn nghệ… Ban ngày thì học ở trường, chiều về ôn trung tâm, tối ở nhà có gia sư kèm cặp..
Mong muốn con có một nơi học tốt, được bằng bạn bằng bè nên các phụ huynh đã không ngần ngại cho con em đi ôn luyện ngay từ rất sớm. Điều này lí giải vì sao ngày càng nhiều học sinh đạt điểm cao, buộc các trường phải dùng tiêu chí phụ để tuyển sinh. Càng nhiều tiêu chí đặt ra, phụ huynh càng quyết tâm chạy theo để đạt thành tích.
Tuy nhiên cách làm của phụ huynh chỉ mang tính đối phó và khiến con mình thêm thụ động. Điều quan trọng không phải học càng nhiều là càng tốt, mà cần phải xác định định hướng phát triển của con mình là gì. Một trong những điều dễ thấy nhất hiện nay là phần đông lớp trẻ sống không có định hướng. Ngay từ nhỏ, họ đã quá quen với việc được kèm cặp, được cầm tay chỉ dạy cho nên khi bước vào môi trường tự lập, họ loay hoay không biết nên làm gì và cần phải làm gì.
Vì thế nếu muốn tốt cho con trẻ, đừng chạy theo cái tốt nhất mà hãy giúp con mình tìm xem đâu là điều phù hợp giúp bé phát triển. Trò chuyện và quan tâm trẻ nhiều hơn để giúp trẻ có định hướng rõ ràng. Cho trẻ môi trường tốt để học tập là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn, hãy dạy cho trẻ cách tự hòa hợp với môi trường để phát triển bản thân mình.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình