Nhờ phương pháp ghép tế bào gốc, tôi đã bước qua cửa tử

Bước qua cửa tử ung thư máu bằng phương pháp ghép tế bào gốc, Thanh Hương cảm thấy trân quý cuộc sống hơn bao giờ hết

Bác sĩ nói, bệnh nhân có 70% cơ hội sống khi điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Với tôi, dù chỉ còn 1%, tôi vẫn muốn nắm lấy cơ hội. Có ai đó đã từng nói: “Cuộc sống không cho không ai cái gì, cũng không lấy đi tất cả của ai bao giờ. Khi cuộc sống lấy đi của ai điều gì đó, nhất định sẽ bù đắp những thứ khác còn đặc biệt hơn”. Cuộc sống của tôi tưởng như khép lại bỗng sang một trang mới nhờ phép màu của y học.

Những ngày không có tóc

phuong phap ghep te bao goc hinh anh 3

Tôi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư máu ác tính sau một trận sốt cao kéo dài vào năm 2012. Bố mẹ tôi khóc rất nhiều sau khi thảo luận về tình trạng bệnh tình của tôi với bác sĩ. Lúc đầu, ai cũng giấu tôi. Tôi vào điều trị mà vẫn chưa biết mình mắc bệnh ung thư. Cho đến khi điều trị nội trú gần những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, hỏi dò và tìm hiểu thì tôi mới biết mình đang bị ung thư máu. Kể từ giây phút đó, tôi thấy mình rơi tõm xuống vực thẳm.

Tuổi đôi mươi với bao nhiêu ước mơ, dự định bị khóa chặt trong bốn bức tường trắng toát của bệnh viện. Tôi gầy rộc đi, mọi việc đều phải nhờ sự hỗ trợ của người thân, ngay cả việc nhỏ nhất là mặc quần áo hay đi đôi dép cũng không tự mình làm được, lúc đó tôi cảm thấy tuyệt vọng và bất lực vô cùng. Chưa bao giờ tôi nghĩ cuộc đời mình lại có những tháng ngày tăm tối như thế!

Việc truyền hóa chất không chỉ thử thách sức chịu đựng của tôi, của bố mẹ mà còn cướp đi cả mái tóc dài, đen nhánh của tôi nữa. Trong vòng một năm, ba lần truyền hóa chất là ba lần tóc tôi rụng đi rồi mọc lại. Đưa tay vuốt đến đâu, tóc rơi ra từng mảng đến đó. Sự mệt mỏi khi truyền hóa chất có lẽ chẳng kinh khủng bằng việc thích nghi với hình hài đầu trọc “mới mẻ” này. Vì nó, tôi luôn trốn tránh tất cả mọi người.

Nhờ phương pháp ghép tế bào gốc, tôi đi về phía con đường sáng

phuong phap ghep te bao goc hinh anh 2

Hương trong thời gian điều trị tại bệnh viện

Một năm sau khi điều trị bằng hóa chất, tôi vẫn là bệnh nhân nằm trong nhóm tiên lượng xấu, có nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, trưởng khoa Ghép Tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trở thành người đồng hành với tôi trong cuộc chiến chống lại căn bệnh. Bác sĩ nói chỉ có duy nhất một phương pháp điều trị là tiến hành phương pháp ghép tế bào gốc và thật may mắn là chị gái tôi có HLA phù hợp.

Trong hành trình đi qua cửa tử ấy, tôi từng muốn buông xuôi tất cả. Có lần đau đớn cảm giác như mình đang đi vào cõi chết, bỗng dưng tôi thốt lên gọi mẹ, dặn dò mẹ mặc cho tôi bộ nào, đi đôi dép tôi thích, dùng tấm ảnh nào để làm ảnh thờ… Mẹ khóc như mưa, dỗ dành tôi: “Con cố gắng lên! Giờ con buông xuôi thì bố mẹ biết sống làm sao?”. Bố đứng đó, những giọt nước mắt cứ lặn vào trong. Hình ảnh đó chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí tôi.

Ca ghép tế bào gốc được tiến hành với chi phí hết gần 600 triệu đồng. Gia đình tôi chấp nhận tất cả để cứu cuộc sống của tôi. Sau ba tháng nằm cách ly trong phòng ghép, cuộc sống chỉ thật sự mỉm cười và có ý nghĩa khi tôi được chuyển ra ngoài, được nhìn thấy ánh sáng, được trở về với gia đình, tóc mọc trở lại và được tiếp xúc, nói chuyện với mọi người. Sau ba năm thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc, hiện tại, tôi khá bận rộn khi vừa làm chủ một shop quần áo online vừa phụ giúp bố mẹ quản lý siêu thị mini tại quê nhà Bắc Giang. Bước qua bệnh tật, tôi thêm trân trọng hiện tại và tự nhắc mình phải sống hướng về phía ánh sáng.

phuong phap ghep te bao goc hinh anh 4

Thông tin thêm

♦ Nguyễn Thị Thanh Hương sinh ngày 4–6–1989. Hiện Thanh Hương sống tại Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

♦ Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép Tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết bệnh nhân sau khi ghép khỏe mạnh hoàn toàn, kéo dài sự sống và đặc biệt vẫn có thể lập gia đình và sinh con.

Bài: Thu Hà
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua