Khi Facebook trở thành công cụ marketing hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các cuộc thi qua Facebook để tương tác với đối tượng của mình và tăng số lượng fan. Từ đây đã có sự xuất hiện của một “nghề” mới – nghề săn giải thưởng Facebook và nhiều người đã “sống” bằng các cuộc thi trên Facebook.
BẤT CHẤP THỦ ĐOẠN TĂNG LIKE, COMMENT
Hiện nay, hầu hết các cuộc thi có giải thưởng hấp dẫn trên kênh Facebook đều đòi hỏi bài của thí sinh tham gia có lượng like, share, comment cao. Nhiều cá nhân đã bị cuốn vào các cuộc thi này và bất chấp thủ đoạn để giành chiến thắng.
Đang ăn cơm cùng gia đình và bạn bè, chị V. T (TP. HCM) vội “vác” theo tô cơm chạy vào phòng làm việc mà chỉ kịp nói với chồng: “Em phải vào Facebook like đây”. Hai năm nay, anh Bằng, chồng chị V.T, đã quen với hình ảnh đó của vợ. Anh cũng quen với những đêm chị ôm điện thoại chơi Facebook đến 1 giờ sáng, quen với những lần chị mua đồ mới và bắt cả nhà đến studio chụp những tấm ảnh đẹp long lanh khiến người khác phải ghen tỵ để tham gia các cuộc thi. Trong nhà vợ chồng T cũng lỉnh kỉnh đủ thứ quà, từ sữa, bút, cà-phê, V.T đã “săn” được từ các cuộc thi mà chưa thanh lý hết.
Anh Bằng còn đưa chiếc iPhone đang cầm trên tay ra khoe: “Chiếc iPhone này cô ấy cũng săn giải thưởng trên facebook như thế đấy, còn có cả suất bảo hiểm trị giá 25 triệu đồng nữa. Trước đây, vợ tôi làm nhân viên văn phòng, lương tháng 3,5 triệu đồng. Với công việc hiện nay, cô ấy có thu nhập cao hơn trước. Vợ tôi bảo có người giỏi đã thu đến 200 triệu đồng/năm mà lại thoải mái ở nhà, chỉ cần mặc đẹp, chụp hình và siêng viết lách rồi thi thố”.
Vào trang Facebook cá nhân của chị V.T., TTGĐ ngạc nhiên vì lượng người theo dõi đến hơn 73.000. Hỏi anh Bằng: “Cô ấy không có nhiều bạn bè, cũng không phải người nổi tiếng, sao lại có nhiều người theo dõi thế?”. Anh Bằng vốn là dân công nghệ cười: “Mạng ảo mà. Cứ 1 triệu đồng là mua được 10.000 người theo dõi liền để ban tổ chức ít nghi ngờ lượng like cao”.
Tiếp tục theo dõi bài thi đạt giải của V.T trên Facebook, chúng tôi thấy có đến trên 10 ngàn “like”. Anh Bằng giải thích: “Cô ấy tham gia vào hội chia sẻ like đấy. Nhóm này rất đông và mỗi người tạo cả trăm tài khoản Facebook với những cái tên khác nhau. Suốt ngày, vợ tôi chỉ online Facebook tương tác với nhóm bằng cả trăm tài khoản này để Facebook biết rằng, đây là tài khoản thật, có tồn tại, tương tác. Khi cuộc thi đòi hỏi like, share, bình luận, cô ấy dùng tất cả các tài khoản này để like và kêu cả nhóm ủng hộ. Mối quan hệ trong nhóm này là “ủng hộ qua lại”. Thế nên, lượng like, share, comment lên đến ngàn lượt là thường. Cách làm này thủ công, chậm nhưng người like là thật.
Ngoài chiêu trên, người rành kỹ thuật còn dùng phần mềm miễn phí và cả tính phí có đầy trên mạng. Chỉ cần search “phần mềm tăng like Facebook”, 586.000 kết quả đã hiện ra trong 0,53 giây. TTGĐ click vào web http://like.alo9.net/ chuyên dịch vụ hack like, tự giới thiệu là “trang web hàng đầu về các dịch vụ tự động trên mạng xã hội. Bạn nhận Like thực – người Việt – tương tác thực. Chọn hack like Facebook tối đa 1.000 like/lần, không giới hạn số lần tăng like”.
Trong vai người muốn tăng like cho bài thi của mình, TTGĐ liên hệ với người quản lý của trang web này. Admin đã tư vấn rất nhiệt tình rằng dịch vụ có thể hack cả like, comment, bình luận và tăng số người theo dõi trang. Mỗi 1.000 like có giá 100.000 đồng và lượng like Việt tối đa có thể làm là 30.000 like. Phí comment thường là gấp đôi giá mua like.
Anh cũng cho biết, dịch vụ có cung cấp cả like nước ngoài với giá rẻ hơn 1/3 so với like Việt, lượng like tối đa lên đến 100.000 like, song dùng like nước ngoài rất dễ bị ban tổ chức nghi ngờ, đánh rớt. Bạn nên chọn like Việt để khi ban tổ chức click chuột vào kiểm tra sẽ thấy hợp lệ vì có tên tuổi và tài khoản cũng đang hoạt động.
Đã hết thời người thi trên Facekook kêu gọi bạn bè: “Bạn ơi like hộ mình với!”, “Ai đi qua xin cho em một like”. Hiện nay, hầu hết các cuộc thi trên Facebook đã trở thành sân chơi riêng dành cho mấy “tay” săn giải thưởng trên facebook chuyên nghiệp với hệ thống tài khoản, dịch vụ chỉ để đi like, share, comment giành giải. Các nhãn hàng lâu nay có thể nhìn thấy cả mấy chục ngàn like trên bài viết nhưng thật ra, với nhiều trường hợp chỉ có mỗi một người làm “host” hoặc đó là like mua, like hack. Con số đó chỉ là ảo, không đem lại giá trị thực mà nhãn hàng, thương hiệu mong muốn.
ĐỦ CÁC CHIÊU TRÒ HẠI NHAU
Một bạn thường thi trên Facebook tiết lộ: “Sự cạnh tranh trên Facebook kinh khủng lắm. Nếu bạn nhận được “inbox” của người cùng thi hỏi thăm, có thể là đối thủ đang dò la sơ hở của bạn rồi méc với ban tổ chức, nhằm loại bài thi của bạn và gây sự chú ý của ban tổ chức đối với bài thi của họ đấy. Có người còn tự thả like nước ngoài vào bài viết của mình rồi mách ban tổ chức rằng mình bị hại cũng chỉ để gây sự chú ý. Với cuộc thi chấm nội dung hay, không chú trọng like, share, một số người có bài thi hay, có tiềm năng thắng giải rất dễ bị thả like hãm hại. Nếu thấy bài thi nào hay, có thể thắng giải, họ sẽ thả like hãm hại. Có lần, chính tôi bị hại. Tôi đang online viết bài mà bài thi nhảy like chóng mặt, 1 phút nhảy lên 200–300 trăm like. Cũng có khi, cả trăm nick lạ hoắc nhảy vào bình luận với lời lẽ thô tục, giống y nhau. Mục đích của họ là có bằng chứng báo với ban tổ chức về like, comment bất thường, có dấu hiệu hack để bài bị loại”.
“Cũng có chiêu trò khác là hai người thi kết hợp cùng nhau, người viết tốt sẽ viết và người giỏi công nghệ sẽ tìm cách tăng like. Giải thưởng săn được sẽ chia đôi”. “Song trong hội chia sẻ like, trên trang cá nhân họ chúc mừng, khen ngợi nhau, nhưng lại inbox cho ban tổ chức tố cáo người này chuyên hack like. Kết quả là sau khi công bố giải, dân săn giải chửi nhau rùm beng, chửi cả ban tổ chức, loạn xạ trên mạng xã hội”. TTGĐ đã thấy hết những chiêu trò gian dối, chơi xấu nhau này chỉ qua cuộc thi I Love Tiếp Thị Gia Đình vừa qua.
Trong thời gian thi, TTGĐ nhận được vài tố cáo người chơi cùng. Bạn tố cáo liệt kê danh sách dài những giải thưởng người kia săn được. Phức tạp hơn, sau khi công bố kết quả, cả chục trường hợp tố nhau gian lận, đòi xét và đổi giải thưởng cao hơn. Thực tế trên có thể thấy, lợi ích trước mắt chính là mảnh đất màu mỡ cho gian lận, đối đầu nhau. Các cuộc thi có giải thưởng càng cao, nguy cơ gian lận sẽ càng nhiều.
Vậy vì sao lợi ích trước mắt lại hấp dẫn đến thế? Nhà tâm lý David DeSteno (Mỹ) và đồng nghiệp cho rằng, trong mỗi con người, trung thực và gian lận cùng tồn tại với nhau. Não của chúng ta có khả năng phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai. Tuy nhiên, hành động thực tế của con người lại đi theo quy luật đánh đổi giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài. Nếu quá đề cao mục tiêu trước mắt, bạn càng có xu hướng dùng thủ đoạn gian lận nhiều hơn. Gian lận sẽ thành thói quen khó bỏ và tính cách này ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cũng như cách người khác đánh giá về bạn. Không nên vì lợi ích trước mắt mà làm mất đi những giá trị tốt đẹp mình đã dày công xây dựng, bạn nhé.
Rút thăm trúng thưởng là một gợi ý hay
Có 4 hình thức thi cơ bản trên Facebook là rút thăm trúng thưởng, bài cảm nhận, hình ảnh và video. Tùy vào mục tiêu, doanh nghiệp cần chọn loại phù hợp nhưng rút thăm trúng thưởng là một hình thức có thể giúp hạn chế tối đa những mâu thuẫn, tranh chấp, giành giật trong mỗi cuộc thi. Thi ảnh, bài luận, video với yêu cầu like, share giúp cuộc thi có độ phủ rộng nhưng khó đảm bảo tính công bằng, dễ gặp rắc rối trong suốt cuộc thi, đặc biệt dễ gây nên sự ức chế đối với fan cũ và mới, người chơi chân chính và người chơi thủ đoạn.
GÓC NHÌN DOANH NGHIỆP
Hầu hết các doanh nghiệp đều phát hiện động thái không lành mạnh của một số cá nhân tham gia nhưng rất khó tìm được bằng chứng. Do vậy, biện pháp tốt nhất là doanh nghiệp nên thắt chặt thể lệ cuộc thi ngay từ đầu. Bạn Nguyễn Vân Thanh, quản lý Facebook một thương hiệu nổi tiếng tại TP. HCM, chia sẻ: Thể lệ luôn luôn phải có một câu: “Trong mọi trường hợp phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng”. Nếu có tranh chấp sau khi công bố giải, tốt nhất ban tổ chức nên kiên định với quyết định của mình, đừng thỏa hiệp.
Quy cách chấm giải nên nghiêng về nội dung bài thi, ảnh thi hơn là dựa vào like, share, comment. Với trường hợp nghi ngờ hack, tôi chỉ trả lời 1 câu ngắn gọn trong message: “Chúng tôi thấy số like của bạn tăng bất hợp lý trong khoảng thời gian ngắn nên nghi ngờ có sự không công bằng khi tham gia trò chơi. Chúng tôi quyết định không trao giải”.
Bài: TTGĐ
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình