Khi được hỏi rằng: “Điều gì ở bà xã khiến anh cảm thấy khó chịu nhất?”, nhiều ông chồng trả lời ngay không cần nghĩ: “Nói nhiều”. Khi vui vẻ, bạn thường nói nhiều vì quá phấn khích. Khi buồn giận, lúc căng thẳng, mức độ nói nhiều tăng theo cấp số nhân…
Vì sao phụ nữ nói nhiều và có thể “tám” cả ngày mà không biết mệt như vậy nhỉ? Đây cũng chính là điều mà các đấng mày râu vẫn luôn thắc mắc về bà xã của mình.
Lần sau, nếu ông xã than phiền: “Sao em nói nhiều thế?”, thay vì giận dỗi, bạn hãy nhẹ nhàng chia sẻ với anh những lý do khoa học tâm lý rất đáng yêu sau nhé.
Protein ngôn ngữ lý giải vì sao phụ nữ nói nhiều?
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, phụ nữ nói trung bình 20.000 từ mỗi ngày, nhiều hơn đàn ông khoảng 13.000 từ. Sở dĩ có sự khác biệt này là do cấu tạo não bộ của phụ nữ khác nam giới. Não phụ nữ có nhiều protein FOXP2 (còn gọi là protein ngôn ngữ) hơn nam giới khiến họ nói nhiều hơn.
Khảo sát sự liên quan của protein ngôn ngữ FOXP2 tới việc nói nhiều, các nhà nghiên cứu Mỹ bắt đầu từ chuột. Họ muốn xác định vì sao chuột đực kêu nhiều hơn chuột cái nên đã thử tách chuột con 4 ngày tuổi ra khỏi mẹ và đếm số lần kêu la của chúng. Kết quả, những con chuột đực kêu la nhiều gấp đôi chuột cái. Thế nên, khi chuột con được đưa trở lại lồng, chuột mẹ thường chăm sóc các cậu “con trai” của mình đầu tiên.
Thử nghiệm trên cho thấy, não chuột đực có lượng protein ngôn ngữ FOXP2 cao gấp hai lần chuột cái. Để nghiên cứu toàn diện, các nhà nghiên cứu tăng cường sản xuất FOXP2 trong não chuột cái đồng thời làm giảm FOXP2 ở não chuột đực. Kết quả, chuột cái khi tăng lượng FOXP2 đã kêu la nhiều hơn và chuột mẹ quan tâm đến các cô “con gái” của mình hơn. Ngược lại, các cậu “con trai” không kêu la nhiều như trước nữa. Điều này cho thấy nồng độ protein FOXP2 có liên quan đến chuyện nói ít hay nhiều. Vậy con người chúng ta liệu có giống như chuột?
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maryland đã thử nghiệm 10 cậu bé và cô bé trong độ tuổi 3–5 và thấy rằng, lượng FOXP2 trong vùng não quy định ngôn ngữ ở bé gái nhiều hơn bé trai khoảng 30%. Cũng vì protein ngôn ngữ FOXP2 nhiều hơn mà con gái thường nói nhiều hơn con trai và giải thích cho lý do vì sao phụ nữ nói nhiều. Thực tế cho thấy các bé gái cũng biết nói sớm hơn, có nhiều từ vựng và sử dụng đa dạng nhiều loại câu hơn so với các bé trai cùng tuổi.
Còn lý do nào khác?
Nếu bạn đưa ra lý do khoa học này nhưng anh vẫn không chịu hiểu lý do vì sao phụ nữ nói nhiều, có lẽ bạn cần thêm vài lý do tình cảm hơn:
♥ “Chồng ơi, em thấy chồng đi làm về mệt, em nói cho chồng vui tai ấy mà!” (mỉm cười và ôm chồng một cái thật dịu dàng, đảm bảo anh sẽ mềm lòng ngay vì xúc động đấy).
♥ “Phụ nữ tụi em cho rằng nói chuyện là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ. Em nói nhiều nghĩa là còn thiện chí giải quyết vấn đề và giữ gìn tình yêu của vợ chồng mình. Một khi em không nói nữa nghĩa là chúng ta không còn gì để chia sẻ với nhau. Đến lúc ấy thì hôn nhân có báo động đỏ rồi anh à”.
♥ “Phụ nữ khác đàn ông. Nếu như anh cảm thấy thoải mái khi yên lặng thì em cần nói để giải tỏa hết những trăn trở trong lòng. Nếu giữ mãi, em sẽ ăn không ngon, ngủ không yên và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào… Anh cũng không muốn em rơi vào trạng thái mệt mỏi và bế tắc như thế mà phải không, chồng yêu?”.
♥ “Nói nhiều với anh nghĩa là em xem anh là người đàn ông đáng tin cậy nhất của em đấy. Đối với em, sự lắng nghe của anh là tình yêu và sự thấu hiểu mà em luôn trân trọng. Nếu không nói với anh thì có thể em sẽ tìm một người bạn để trút bầu tâm sự. Nhưng em vẫn muốn san sẻ với anh để vợ chồng mình có thể hiểu nhau hơn. Em không muốn giấu anh những lo lắng của mình để rồi vợ chồng mình ngày càng trở nên xa cách”.
Người ta hay nói “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, chỉ khi nào bạn chia sẻ những vướng bận trong lòng thì cả hai mới có thể cùng nhau vượt qua những thử thách trước mắt. Cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề của đàn ông rất khác với phụ nữ chúng ta. Nếu bạn cứ giữ mãi những ấm ức trong lòng thì chẳng những không tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất mà còn dễ khiến cả hai hiểu lầm nhau vì những chuyện không đáng.
Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như áp lực công việc hiện tại, khó khăn của gia đình… nên sẽ tỏ vẻ hơi mệt mỏi khi bạn nói quá nhiều. Vì thế, bạn nhớ cân nhắc lựa chọn thời điểm và cách trò chuyện để tránh khiến anh cảm thấy khó chịu nhé.
Bài: Thiên Minh
Mục Tình yêu & Hôn nhân / Tiếp Thị Gia Đình