Sốt phát ban và sởi: Những điều bạn cần biết

Một số kiến thức về sốt phát ban và sởi dưới đây sẽ giúp bạn bình tĩnh xử lý tình huống khi con trẻ bị mắc bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhé

Sốt phát ban và sởi khác nhau thế nào là câu hỏi thắc mắc thường xuyên của nhiều phụ huynh có con nhỏ.

Thật ra, sốt phát ban là khái niệm để chỉ các bệnh có biểu hiện sốt và nổi chấm đỏ rải rác toàn thân (phát ban). Bệnh chủ yếu do nhóm virus đường hô hấp gây ra như: virus sởi, virus gây bệnh rubella, enterovirus, adenovirus, echovirus… Vì vậy, bất cứ trẻ nào cũng bị sốt phát ban ít nhất một lần trong đời.

Sốt phát ban thường xuất hiện ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây lan nhanh theo đường hô hấp do trẻ khỏe mạnh hít phải các chất có nhiễm siêu vi trùng gây bệnh từ không khí. Những siêu vi này có trong trong dịch tiết ho, hắt hơi của trẻ nhiễm bệnh.

Như vậy, sốt phát ban và sởi không phải là hai loại bệnh khác nhau mà sởi là một dạng của bệnh sốt phát ban nên thuật ngữ y khoa còn gọi bệnh này là sốt phát ban dạng sởi.

Dấu hiện chung của sốt phát ban và sởi

Trẻ có thể sốt nhẹ (37,5 đến 38,5 độ C) hoặc sốt cao (trên 39 độ C) tùy theo thể trạng.

√ Mệt mỏi, lừ đừ, nhức mỏi cơ bắp.

√ Biếng ăn, biếng bú và có thể bị tiêu chảy.

√ Xuất hiện các nốt hồng ban sau khi giảm sốt.

Cần phân biệt, ở giai đoạn phát ban, nếu là sốt phát ban thông thường, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ, mịn và sáng. Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay đi thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Ngược lại, nếu là phát ban do sởi, ban có dạng sẩn (gồ lên mặt da). Lúc đầu ban sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Phụ huynh cũng cần ghi nhớ: bên cạnh các dấu hiệu chung của sốt phát ban, triệu chứng đặc trưng ở trẻ mắc bệnh sởi là ho, sổ mũi, mắt đỏ.

Phần lớn sốt phát ban là bệnh lành tính. Tuy nhiên, đối với một số trẻ nhiễm sởi, bệnh có thể diễn biến phức tạp và dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nặng hơn là viêm não.

Để phòng ngừa bệnh sốt phát ban, cha mẹ cần cho trẻ chủng ngừa đầy đủ các mũi:

√ Chích ngừa sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi.

√ Chích ngừa rubella theo mũi sởi – quai bị – rubella khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

Hy vọng những hiểu đúng về sốt phát ban và sởi sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để chăm sóc trẻ đúng cách.

Bài: Ngọc Hương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua