Bạn đã áp dụng một số cách để hạ sốt cho trẻ như nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn nhưng không hiệu quả? Nhiệt độ cơ thể bé tăng dần đến mức hơn 38°C? Lúc này, bạn cần phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ tại nhà đúng cách như thế nào?
CÁC LOẠI THUỐC HẠ SỐT
Các thuốc có thành phần paracetamol là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ vì có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có thành phần là ibuprofene và aspirin nhưng chỉ dùng khi có chỉ định của bác sỹ vì hai loại này có nhiều tác dụng phụ.
1/ Paracetamol
Thuốc có tính an toàn cao cho trẻ. Tuy nhiên, trước tiên, bạn cần biết rõ cân nặng của trẻ để xác định liều thuốc hạ sốt cho trẻ chính xác. Liều dùng là 15mg/kg uống mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ. Trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 8 giờ. Thông dụng nhất là thuốc dạng tọa dược (thuốc đạn, nhét vào hậu môn) và dạng uống. Ngoài ra, còn có dạng tiêm nhưng chỉ được sử dụng tại bệnh viện.
♦ Thuốc tọa dược: Thích hợp hạ sốt cho trẻ khi đang ngủ, nôn nhiều và đang lên cơn sốt cao, co giật. Khi điều trị cách này, bạn chú ý chỉ sử dụng trong thời gian ngắn hạn sau đó chuyển sang dạng uống vì dạng tọa dược có thể gây ngứa, kích thích trực tràng.
Cách sử dụng: Bạn đặt thuốc vào ngăn đá tủ lạnh trước khi đặt. Chỉ đặt viên thuốc vừa vào hết hậu môn chứ không đặt thuốc quá sâu vì như thế sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Cho trẻ nằm yên vài phút sau khi đặt viên thuốc. Trong trường hợp cần đặt hai viên mới đủ liều, sau khi đặt viên thứ nhất, bạn phải đợi 1 – 2 phút mới đặt tiếp viên thứ hai. Tốt nhất, bạn nên chọn loại có hàm lượng phù hợp chỉ cần đặt một viên.
♦ Dạng uống: Dùng hạ sốt khi bé còn thức. Có nhiều dạng như thuốc bột, thuốc giọt, si rô và thuốc viên. Trong đó, gói bột sủi bọt là dạng uống phổ biến nhất.
Cách sử dụng: Cho thuốc vào ly nhỏ nước để hòa tan, cho trẻ uống ngay sau khi thuốc đã tan hết.
2/ Aspirin
Loại này chống chỉ định với những trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết. Aspirin ít được dùng để hạ sốt cho trẻ em vì có thể gây nhiều tác dụng phụ lên đường tiêu hóa và có liên quan đến hội chứng Reye’s (gây tổn thương gan và thần kinh). Do đó, chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sỹ.
Liều dùng 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ.
3/ Ibuprofene
Thuốc có thành phần ibuprofene chỉ sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Ở trẻ nhỏ tuổi hơn, ibuprofene thường gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ bị thủy đậu. Thuốc này cũng không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sỹ.
Liều dùng 20 – 30mg/kg/ngày hoặc 7 – 10mg/kg mỗi 6 – 8 giờ đường uống.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC HẠ SỐT CHO TRẺ
– Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4 đến 6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần.
– Nếu trẻ bị sốt kèm đi ngoài phân lỏng, tốt nhất bạn nên cho trẻ dùng thuốc dạng uống. Với trẻ bị sốt nhưng không uống được thuốc, nôn nhiều, bạn nên dùng thuốc đặt hậu môn.
– Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh, ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, bạn có thể kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống nhiều nước sôi để nguội, nước hoa quả. Với trẻ còn bú, bạn cho bú nhiều lần hơn. Khi trẻ bị sốt, bạn cho bé nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng, theo dõi nhiệt độ của trẻ 20 – 30 phút/lần.
– Khi cho bé uống thuốc hạ sốt, bạn đừng nóng vội vì thấy con không giảm nhiệt và tự ý cho trẻ dùng thêm thuốc để nhanh chóng hạ sốt. Điều này là không nên vì khi uống quá liều, trẻ có thể bị ngộ độc acetaminophen với các biểu hiện như đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng nề hơn trẻ có thể bị tổn thương gan dẫn đến vàng da, vàng mắt, li bì…
– Khi trẻ bị các bệnh gan, tim, thận hay dưới ba tháng tuổi, bạn không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ mà phải có sự hướng dẫn của bác sỹ.
KHI NÀO CẦN ĐƯA BÉ ĐI KHÁM?
Bạn cần đưa con đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được khám và tư vấn điều trị ngay khi bé có một trong số các triệu chứng sau đây:
√ Sốt cao hơn 40°C, liên tục không giảm trong vòng 24 giờ.
√ Trẻ bị co giật, mệt li bì.
√ Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.
√ Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình