Sốt do viêm họng, viêm tai, do mọc răng, do cảm cúm… không phải là bệnh mà là một triệu chứng của cơ thể phản ứng lại nhiễm trùng. Khi bé bị sốt dưới 39,5 độ và không có tiền sử bị sốt co giật, do viêm nhiễm nặng, bạn có thể chăm sóc tại nhà. Bạn hãy tham khảo một vài hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt hiệu quả.
Đo nhiệt độ và hạ sốt thường xuyên
Trong những ngày bé sốt, vật dụng không thể thiếu được là chiếc nhiệt độ. Bạn không nên kiểm tra nhiệt độ cho bé bằng cách sờ trán, ước lượng nhiệt độ… Hãy dùng nhiệt kế để kiểm tra chính xác thân nhiệt bé và có biện pháp xử lý kịp thời. Đây là bước quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị sốt. Cách một tiếng, bạn đo nhiệt độ cho bé một lần hoặc đo ngay nếu bạn cảm thấy bé có dấu hiệu sốt cao. Nên ghi lại nhiệt độ đo được tại từng thời điểm để đưa cho bác sĩ khi cần thiết. Khi nhiệt độ của bé cao hơn 37, 5 độ, dùng ngay các biện pháp hạ sốt:
√ Lau người cho bé bằng nước ấm để hạ nhiệt bằng cách: dùng khăn nhúng nước ấm lau khắp cơ thể đặc biệt là vùng nách, vùng bẹn để bé dễ chịu, ngăn nhiệt độ cơ thể tăng cao. Cho bé uống thuốc hạ sốt nếu cần. Một miếng dán hạ sốt cũng giúp bé dễ chịu hơn trong lúc này.
Bổ sung nước kịp thời
Khi bị sốt, cơ thể đổ mồ hôi nhiều, bé thường bị mất nước. Thêm vào đó, bé không chịu ăn, uống như bình thường cũng làm tăng thêm hiện tượng mất nước. Bạn hãy bổ sung nước cho bé bằng mọi cách. Lúc này có thể chiều bé một chút. Nếu bé không chịu uống nước lọc, hãy xay – ép một số loại nước trái cây bé thích như nước cam, nước nho, nước táo… để bé uống. Tuy nhiên, tuyệt đối không cho bé uống các loại nước ngọt có gas, không tốt cho sức khỏe. Nếu bé sốt cao, bạn mua gói bù nước điện giải (Orezol), pha đúng theo tỉ lệ hướng dẫn, cho bé uống từ từ từng chút một để bổ sung nước và muối cho cơ thể.
Dọn dẹp không gian xung quanh bé
Khi bé bị sốt, các mẹ thường ủ ấm, cho bé ở trong phòng kín… Thói quen này hoàn toàn không tốt và làm nhiệt độ cơ thể bé tăng cao. Để hạ sốt nhanh, nên cho bé mặc quần áo mỏng, rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi. Với các bé đang mặc bỉm, nên tháo bỉm để vùng bẹn bé được thoáng, dễ chịu hơn. Bạn nên dọn bớt đồ đạc xung quanh khu vực bé nằm hoặc chơi, dẹp bỏ bớt chăn, gối, tạo cho bé không gian thông thoáng và sạch sẽ.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hợp lý, đúng cách trong những ngày bị sốt không chỉ giúp bé cảm thấy dễ chịu mà còn bổ sung năng lượng để bé chiến đấu với bệnh. Khó chịu trong người làm bé biếng ăn, vì vậy đừng ép bé ăn theo khẩu phần như ngày thường. Hãy chia nhỏ các bữa ăn, cho bé ăn các thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa và nấu mềm, lỏng để bé dễ nuốt như súp gà, cháo bò bằm, cháo tôm yến mạch… hoặc các món ăn theo sở thích của bé.
Khi chăm sóc trẻ bị sốt, cần có người lớn bên cạnh để quan sát mọi biểu hiện cơ thể của bé. Bạn cần đưa bé đến bác sĩ khi sốt cao, khó hạ bằng cách chườm hay uống thuốc, có các cơn co giật, khó thở, sốt kéo dài hơn hai ngày, mệt mỏi, ngủ li bì, không chịu ăn uống, hoặc có các dấu hiệu bất thường.
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình