Rèn luyện khả năng tập trung cho con như thế nào?

Ngay từ đầu hè, bạn hãy rèn luyện khả năng tập trung cho con để thích nghi với việc học năm tới, đặc biệt là trẻ sắp vào lớp một

Rèn luyện khả năng tập trung cho con sẽ giúp bé học tập ở lớp tốt hơn. Song hầu hết trẻ nhỏ lại chưa biết cách kiểm soát sự tập trung của mình. Tiến sỹ tâm lý học Kathleen Kannass, Đại học Loyola Chicago cho rằng, đối với trẻ con, tập trung vào một điều gì đó giữa một thế giới thú vị đang chờ khám phá là rất khó. Hơn nữa, khả năng tập trung của mỗi trẻ cũng khác nhau. Vì thế, phụ huynh cần giúp con rèn luyện để biết tập trung càng sớm càng tốt.

TTGĐ xin giới thiệu đến bạn một số phương pháp rèn luyện khả năng tập trung cho con:

Chia nhỏ nhiệm vụ:

ren luyen kha nang tap trung cho con hinh anh 1

Giống như một chiến thuật, chia nhỏ nhiệm vụ là cách đơn giản để bé tăng cường khả năng tập trung cho con. Chẳng hạn khi con phải học thuộc một bài thơ dài, bạn nên khuyến khích bé học thuộc từng đoạn thơ. Nhiệm vụ quá phức tạp sẽ khiến con bạn bị áp đảo tinh thần, trẻ không biết bắt đầu từ đâu, dẫn đến mất tập trung. Việc chia nhỏ nhiệm vụ sẽ giúp trẻ có cảm giác mình tiến bộ khi hoàn thành từng việc nhỏ. Hoàn thành từng việc nhỏ này sẽ tạo động lực cho bé làm tiếp việc nhỏ khác.

Hạn chế sự phiền nhiễu:

ren luyen kha nang tap trung cho con hinh anh 4

Các chuyên gia khuyên bạn nên bố trí một không gian riêng, yên tĩnh khi trẻ cần sự tập trung. Lý do là khả năng tự lọc và loại bỏ âm thanh phiền nhiễu của trẻ kém xa so với người lớn, thậm chí trẻ có thể nghe rõ tiếng chó sủa cách đó khá xa và bị phân tâm ngay lập tức trong khi người lớn không nghe thấy gì cả. Điều đó làm chúng bị nhiễu âm thanh, gây lộn xộn trong tâm trí của trẻ, dẫn đến sự mất tập trung

Đặt nhiệm vụ theo khả năng trẻ: 

Sự tập trung của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng ghi nhớ của bé. Tiến sỹ tâm lý học Kathleen cho biết, trẻ hai tuổi rưỡi có thể tập trung trong 4 phút, bằng khoảng 1/3 khoảng thời gia tập trung của trẻ 4 tuổi. Ngoài ra, mức hấp dẫn của nhiệm vụ cũng ảnh hưởng đến sự tập trung của bé. Khi giao trẻ một nhiệm vụ nhàm chán, bạn cần động viên con: “Đôi khi cuộc sống có những điều như thế và con phải vượt qua để tồn tại”. Bạn hãy tăng thêm thử thách trong nhiệm vụ (tùy độ tuổi) để bé hào hứng tham gia.

Hẹn giờ:

ren luyen kha nang tap trung cho con hinh anh 2

Một phương pháp rèn luyện khả năng tập trung cho con khác là thiết lập một khung thời gian cụ thể để con có thêm động lực hoàn thành công việc. Các chuyên gia khuyến cáo, việc thiết lập một khoảng thời gian ngắn sẽ giúp bé tập trung hơn. Tùy vào tính chất nhiệm vụ, bạn có thể đặt mốc thời gian cụ thể để con hoàn thành trong khả năng của mình. Nếu nhiệm vụ khó như làm 1 bài toán, bạn cho con thời gian 10–30 phút. Nếu đó là một nhiệm vụ đơn giản, bạn yêu cầu bé làm xong trong khoảng 5–10 phút là được.

5 NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG CHO VIỆC HỌC

ren luyen kha nang tap trung cho con hinh anh 3

Vận động: Cho trẻ đạp xe hoặc chạy nhảy 20 phút/ngày trước khi làm bài tập để giải phóng tâm trạng và kích thích bộ não.

Tắt các thiết bị công nghệ: Trước khi con học hay làm bất cứ việc gì cần sự tập trung, bạn hãy tắt các thiết bị công nghệ như ti-vi, điện thoại di động, máy tính hoặc tách bé ra khỏi không gian ấy.

Lập danh sách công việc: Nếu có quá nhiều bài tập, bạn khuyến khích con lập một bảng danh sách các bài cần làm. Sau khi hoàn thành một việc nào đó, bé sẽ gạch bỏ nó đi.

Sử dụng tín hiệu: Khi con học bài, hãy dùng các tín hiệu đơn giản giữa hai người tự quy ước thay vì nói. Ví dụ như bạn muốn con dừng lại việc đang làm để quay lại việc học thì đưa tay lên.

Nghỉ giải lao: Sau khi bé ngồi học 1–20 phút, bạn nên cho con đứng dậy vận động đôi chút hoặc uống nước rồi trở lại việc học. Lưu ý, việc giải lao chỉ nên kéo dài trong vài phút.

Bài: Vương Huy Khôi

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua