Hà Nội: Khó khăn trong việc kiểm soát thực phẩm bẩn

Mặc dù các cơ quan chức năng xử lý ngày càng mạnh tay hơn với các trường hợp vi phạm, nhưng việc kiểm soát thực phẩm bẩn vẫn gặp không ít khó khăn

Kiểm soát thực phẩm bẩn vẫn đang được triển khai trên cả nước nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ngay cả ở các thành phố lớn mà Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Kiểm soát thực phẩm bẩn và thực trạng đáng báo động

Thực phẩm bẩn hiện nay được coi như là vấn nạn quốc gia. Không chỉ thực phẩm bẩn được nhập từ bên ngoài mà ngay cả trong nước, các cơ sở sản xuất, chế biến cũng không tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguồn thực phẩm bẩn trái phép. Từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện 766 cuộc thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm các cấp, kiểm tra 48.899 cơ sở. Qua đó phát hiện 7.872 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, đã phạt cảnh cáo và tiêu hủy hàng tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tổng số tiền thu nộp được hơn 13 tỷ đồng.

Mặc dù các quy định về an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ hơn, hình phạt nghiêm khắc hơn nhưng việc kiểm soát thực phẩm bẩn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do:

√  Cầu vượt quá cung: Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau… Trong khi đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn chỉ có thể đáp ứng nhu cầu khoảng 60%. Riêng về rau, nhu cầu mỗi ngày của người dân Hà Nội khoảng 2.500 tấn, trong khi các cơ sở sản xuất chỉ đáp ứng được gần 8 tấn rau.

Vì thế, thực phẩm từ các nơi khác đổ về rất nhiều. Điều này gây trở ngại lớn cho các cơ quan quản lý, kiểm tra vì có quá nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các nguồn này không chỉ nhập khẩu từ nước ngoài mà còn đến từ các tỉnh khác trong nước. Điều đáng nói là ngay cả các cơ sở sản xuất, chế biến trong nước, nhiều nơi còn sử dụng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không được phép hoặc hạn chế sử dụng trong danh mục của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng các hóa chất trôi nổi bên ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc để cho vào thực phẩm.

kiem soat thuc pham ban hinh anh 1

√  Thói quen tiêu dùng hàng ngoài chợ: Mặc dù hệ thống siêu thị ở Việt Nam đã phát triển rộng rãi nhưng người Việt Nam vẫn có thói quen tiêu dùng hàng chợ. Nhưng chính các khu chợ lại là nơi nguy hiểm nhất vì dễ dàng nhập các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Các thực phẩm này không có giấy chứng nhận, tem nhãn, bao bì càng khiến người tiêu dùng hoang mang khi khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm “bẩn”, thực phẩm “sạch”. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống thường không đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình kinh doanh, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra thực phẩm bẩn.

√  Không đủ trang thiết bị kiểm tra: Lượng thực phẩm được bày bán quá nhiều trong khi ban quản lý ở các khu chợ vẫn chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị để kiểm soát thực phẩm bẩn. Các thực phẩm không rõ nguồn gốc cứ thế mà bày bán, “ngang nhiên” được đưa vào chợ mà không cần thông qua bất kỳ trạm kiểm soát thực phẩm nào. Bên cạnh đó, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn ngày càng tinh vi. Để tránh sự kiểm tra, người vận chuyển sẽ thường xuyên thay đổi các tuyến đường hoặc che giấu thực phẩm bẩn bằng các hàng hóa khác.

Chính vì những lý do trên khiến việc kiểm soát thực phẩm bẩn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và người tiêu dùng luôn trong tâm trạng hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình.

Cách lựa chọn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng

kiem soat thuc pham ban hinh anh 2

Trước tình hình thực phẩm đáng báo động hiện nay, để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình kiến thức để phân biệt thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn.

♥  Đối với thịt: Thịt rắn chắc, ấn vào mềm và có chảy chút nước, không bị nhớt, màng thịt khô. Ấn vào miếng thịt không để lại dấu vết. Riêng với thịt bò, thịt trâu nên tránh các miếng thịt có các đốm trắng xen giữa các thớ thịt, vì đó là thịt đã bị nhiễm giun, sán.

♥  Đối với cá: Nên mua cá còn sống. Còn nếu cá vừa mới chết thì mang cá phải màu hồng, khó gỡ, miệng cá ngậm cứng, mắt trong suốt, ấn nhẹ tay lên mình cá thấy rõ độ chắc và đàn hồi.

♥ Đối với trứng: Chọn trứng bằng cách giơ quả trứng ra ánh sáng, trứng nào có khoảng trống trên đầu nhiều là trứng đã để lâu, trứng mới khoảng đó rất nhỏ. Có thể phát hiện trứng gà giả bằng khi đập trứng, lòng trắng và đỏ sẽ tan vào tự nhiên.

Đối với trái cây: Chọn trái cây có màu sắc tươi, đường vân rõ ràng, cầm chắc tay, cuống không bị héo và màu sắc chín thường không đồng đều. Ngược lại, hoa quả cũ hoặc có hóa chất thì màu sắc bóng bẩy, đều màu và hay có vết thâm do tiêm hóa chất trên thân quả. Cuống quả thường ngả màu đen và có lớp phấn trắng của bột bảo quản phủ bên ngoài.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua