Gian lận ở cây xăng Hà Nội: Móc tiền tỷ của khách hàng

Mới đây, các cơ quan chức năng đã hoàn tất hoàn sơ và đề nghị truy tố 16 bị can có liên quan đến vụ “móc tiền” khách hàng, gian lận ở cây xăng Hà Nội

Vụ việc xảy ra vào tháng 12−2015, cho đến nay, Công an đã hoàn tất quá trình điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp để truy tố 16 bị can trong vụ gắn chíp gian lận ở cây xăng 436 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và cây xăng ở xã Yên Viên (Gia Lâm).

Vạch mặt trò gian lận ở cây xăng Hà Nội

Cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân thuộc Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC). Giữa năm 2014, hai trưởng ca của cây xăng là Trần Thanh Trình (36 tuổi), Nguyễn Mạnh Hà (33 tuổi) đến gặp Nguyễn Thị Hồng Hạnh (50 tuổi) là cửa hàng trưởng của cây xăng đề nghị việc gắn chip để gian lận tiền xăng của khách hàng.

Được cửa hàng trưởng đồng ý, 2 trưởng ca thu tiền mua chip điện tử của nhân viên, mỗi người 7 triệu, tổng cộng được 70 triệu. Sau đó 2 trưởng ca nhờ Hồ Trọng Tuấn (43 tuổi) − Trưởng phòng thị trường Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội giúp tìm người gắn chip. Người được Tuấn giới thiệu là Lê Đức Phong (40 tuổi, ở phường Long Biên, quận Long Biên) và Ngô Đức Toàn (37 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm).

Toàn có đầu mối bán chip điện tử nên sau khi mua chip với giá 500.000 đồng/chiếc, Toàn bán lại cho Phong với giá gấp ba lần. Sau đó Phong bán lại cho Tuấn giá 7−8 triệu đồng/chiếc. Để kiếm thêm tiền, Tuấn thông đồng với Phong ăn chia tiền lời và báo với Trình và Hà là 25 triệu đồng/chip. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu khi lắp chip, Trình và Hà đưa cho Tuấn từ 10−15 triệu đồng/tháng.

Chip gian lận ban đầu được lắp đặt ở hai trụ xăng, sau đó là 3 trụ ở cây xăng 436 Trần Khát Chân.

gian lan o cay xang hinh anh 1

Cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Tháng 5−2015, Trần Thanh Trình được chuyển về làm cửa hàng trưởng cây xăng Yên Viên (Gia Lâm). Đến tháng 10−2015, Trình nhờ Ngô Tuấn Anh (35 tuổi, quận Long Biên) đến lắp 3 con chip điện tử gian lận ở cây xăng Yên Viên. Nhằm tránh sự phát hiện của khách hàng, Tuấn Anh đã gợi ý cho Trình sử dụng con chip điều khiển từ xa thay cho chip công tắc tắt bật. Các nhân viên trong cửa hàng có nhiệm vụ điều khiển và kiểm tra hoạt động của chip được để trong hòm đựng tiền. Nếu khách hàng nghi ngờ, nhân viên sẽ tạm thời tắt chip.

Với mỗi con chip điện tử, cửa hàng xăng dầu sẽ gian lận từ 1% đến 6% lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng. Tùy theo doanh số bán hàng, trung bình mỗi ca, trưởng ca và nhân viên được chia từ 400.000 đến 600.000 đồng/người.

Từ khi cây xăng được gắn chip đến lúc bị phát hiện, số tiền kiếm được của các đối tượng như sau: Nguyễn Thị Hồng Hạnh là khoảng 200 triệu đồng, Trần Thanh Trình là 191 triệu đồng (bao gồm cả cây xăng Trần Khát Chân và Yên Viên), ca trưởng Nguyễn Mạnh Hà là 152 triệu đồng. Riêng mỗi nhân viên khác đều được tiền, nhiều nhất là 150 triệu đồng, ít nhất là 3–5 triệu đồng/tháng.

gian lan o cay xang hinh anh 2

Sau khi hành vi gian lận ở cây xăng bị phát hiện, các đối tượng đã tự nguyện giao nộp số tiền 1.634 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Theo lời khai, đến ngày 24−12, tổng cộng lượng xăng dầu gian lận được của hai cửa hàng là 4.500 lít dầu và 3.000 lít xăng.

Hai cây xăng trên chỉ là một trong số ít trường hợp bị các cơ quan chức năng phát hiện. Hiện nay có khá nhiều cây xăng giở thủ đoạn để “móc tiền” khách hàng. Vì vậy để không “mất tiền oan” cũng như tiếp tay cho cái xấu, chúng ta cần phải biết một số chiêu trò gian lận ở cây xăng sau đây để phòng tránh.

Cách nhận biết gian lận khi đổ xăng

Dưới đây là một số trò gian lận ở cây xăng mà nếu để ý quan sát, bạn có thể nhận ra:

−  Nhảy số: Nhân viên bơm xăng thừa lúc khách hàng không để ý mà nhấn nhanh đồng hồ điện tử. Ví dụ bạn muốn đổ 50.000 ngàn nhưng đến 30.000 ngàn, đồng hồ đã được nhảy lên. Một thủ đoạn nữa là nhân viên bơm xăng sẽ nhấp cò 2 lần để đồng hồ tự nhảy lên mức tiền quy định, trong khi thực tế chưa đến.

−  Nối số: Một số nhân viên cố tình chưa reset mà đã đổ cho người kế tiếp, tức là bạn phải trả phần tiền cho người đã đổ trước đó trong khi lượng xăng vẫn chưa được tới mức yêu cầu.

− Nhấp cò liên tục: Trường hợp này thường nhân viên không nhấn số trước mà chỉ ước lượng theo mức khách yêu cầu. Nhân viên sẽ giả nhấp cò nhiều lần khi đổ xăng. Khi nhấp cò nhiều lần sẽ làm tăng áp suất không khí trong vòi, số trên bảng điện tử sẽ nhảy nhanh hơn so với lượng xăng thực tế.

−  Nhanh tay xóa số: Nhân viên trạm xăng nhanh tay reset bảng điện tử trước khi khách hàng kịp kiểm tra.

− Tống hơi vào bình: Khi màn hình điện tử gần đạt mức yêu cầu của khách, nhân viên sẽ nhấp cò, dốc nhẹ vòi cho xăng chảy ngược về trạm và nhấp cò thêm lần nữa để tống hơi vào bình xăng của khách, trong khi đó đồng hồ điện tử đã nhảy lên mức xăng mà khách yêu cầu.

− Đổ xăng khuất tầm nhìn bảng điện tử: mục đích để khách hàng không nhìn thấy con số trên bảng điện tử, dễ dàng thực hiện các trò gian lận trên.

Để tránh bị mất tiền, bạn nên cẩn thận quan sát kĩ con số màn hình trụ bơm đã được reset hay chưa, quan sát kĩ thao tác của nhân viên bơm xăng. Ngoài ra, bạn nên chọn các trạm xăng uy tín, nơi có nhiều taxi và xe lớn vào vì các tài xế đó có nhiều kinh nghiệm tránh gian lận.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua