U nang buồng trứng xoắn là một biến chứng nguy hiểm của u nang buồng trứng. Thông thường u nang buồng trứng được xác định là u lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, u nang có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó là u nang buồng trứng xoắn có thể đe dọa tính mạng người bệnh. U nang buồng trứng xoắn có các dạng là xoắn buồng trứng, xoắn dây chằng treo buồng trứng, xoắn phần phụ bao gồm xoắn buồng trứng hoặc/và vòi trứng.
NGUYÊN NHÂN
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây xoắn buồng trứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do động tác đi lại, chạy nhảy làm khối u di chuyển nhiều trong ổ bụng gây xoắn. Hoặc sau khi sinh, tử cung thu hồi làm ổ bụng trống, u nang dễ di chuyển cũng gây xoắn.
Ngoài ra, buồng trứng với nhiều nang lớn trong hội chứng kích thích buồng trứng cũng dễ gây xoắn, ít xảy ra xoắn với nang nhỏ hơn 5cm. Mọi phụ nữ đều có thể bị u nang buồng trứng, nhưng người nằm trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ cao hơn, 17 – 20% xảy ra u nang buồng trứng khi mang thai.
TRIỆU CHỨNG
Thông thường, bệnh có các triệu chứng như đau bụng đột ngột, đau dữ dội, đau khắp bụng, khó phân biệt với các nguyên nhân gây đau bụng khác (viêm ruột thừa, cơn đau quặn thận, viêm vùng chậu, nang hoàng thể, lạc nội mạc tử cung…). Tuy nhiên, bệnh nhân thường có điểm đau nhiều ở vùng bụng dưới phải hoặc trái, có thể lan đến dưới sườn và vùng háng cùng bên, sờ thấy một khối gây đau. Có thể buồn nôn, nôn và sốt. Một số trường hợp, những cơn đau khởi phát đột ngột xen kẽ với lúc không đau lặp lại nhiều lần do lúc này u nang xoắn và tháo xoắn.
NGUY CƠ CÓ THỂ XẢY RA
Ban đầu, u nang thể xoắn làm tổn thương dòng tĩnh mạch và bạch huyết, động mạch đi vào cộng với thành cơ dày và ít bị xẹp gây phù lan tỏa và làm buồng trứng lớn, căng vỏ bao và tăng áp lực trong buồng trứng. Cuối cùng, dẫn đến huyết khối động mạch gây thiếu máu và nhồi máu xảy ra. Nếu không được điều trị, buồng trứng có thể bị vỡ, nhiễm trùng và viêm xảy ra, nguy hiểm đến tính mạng.
CHẨN ĐOÁN BỆNH
Có các phương pháp chẩn đoán bệnh sau: siêu âm 2D, siêu âm doppler, chụp CT, MRI.
1/Siêu âm 2D: Siêu âm được thực hiện qua ngả âm đạo. Là phương tiện đầu tiên, không xâm lấn, dễ sử dụng, rẻ tiền, kết quả khá chính xác (giá trị tiên đoán dương 87,5%, độ đặc hiệu 93,3%).
2/ Siêu âm doppler: Siêu âm này giúp đánh giá một phần mức độ tổn thương mạch như mất dòng chảy động mạch, giảm hoặc mất dòng tĩnh mạch. Sự thay đổi dòng chảy mạch máu giúp đánh giá khả năng sống còn của buồng trứng trước phẫu thuật.
3/ Chụp CT và MRI: CT được dùng khi hình ảnh siêu âm mơ hồ hoặc không phát hiện tổn thương, còn MRI thường dùng trong trường hợp bán cấp, triệu chứng mơ hồ, có thể giúp đánh giá khả năng sống còn trước khi phẫu thuật.
ĐIỀU TRỊ
Tất cả các trường hợp khi đã được chẩn đoán là u nang buồng trứng xoắn đều phải mổ cấp cứu ngay kết hợp với hồi sức nếu có vỡ nang. Các phương pháp phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi. Thông thường nếu chỉ xoắn u nang buồng trứng đơn thuần thì cắt bỏ khối u nang. Nếu có xoắn buồng trứng kèm theo, tiến hành tháo xoắn để tiên lượng bảo tồn hay cắt bỏ cả buồng trứng bị hoại tử. Sau cùng, rửa sạch ổ bụng, đóng kín không cần dẫn lưu vì nếu có dịch sẽ chảy ra vòi trứng rồi ra âm đạo.
CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH
Hiểu được mức độ nguy hại nghiêm trọng đó, bạn cần có phương pháp phòng tránh các bệnh phụ khoa nói chung, u nang buồng trứng xoắn nói riêng. Để phòng tránh hiệu quả, bạn cần thăm khám phụ khoa định kỳ hàng năm hoặc 6 tháng/lần. Đây là cách tốt nhất, kịp thời giúp dự báo những tiềm ẩn nguy hại trước sự có mặt của bất kỳ bệnh phụ khoa nào hay u nang buồng trứng ghé thăm.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần có một lối sống khoa học, biết cân bằng các mặt thể chất, tinh thần trong đời sống như tránh căng thẳng, quan hệ tình dục an toàn và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các chất kích thích để giảm nguy cơ bị u nang buồng trứng.
Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường của bệnh như kể trên, bạn cần phải đến bệnh viện sản phụ khoa điều trị ngay nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các bệnh viện có thể điều trị bệnh u nang buồng trứng xoắn là:
♦ Bệnh viện Phụ sản Trung ương: 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
♦ Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng: 402 Lê Văn Hiến, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
♦ Bệnh viện Từ Dũ: 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1, TP. HCM hoặc 191 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1, TP. HCM.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình