Có không chất tẩy trắng trong bún hay người dùng mất niềm tin?

Từ năm 2013 đến nay, người dùng vẫn luôn nghi ngờ về chất tẩy trắng trong bún. Song thực chất vẫn còn rất nhiều nhà sản xuất thực phẩm sạch vẫn đồng hành cùng bạn

Ghé một sạp bún ở chợ Bình Đông, Q. 8, TP. HCM, Tiếp Thị Gia Đình gặp hai người nội trợ đang đi mua bún. Một chị vừa cầm bịch bún định bỏ vào giỏ thì người bên cạnh nhanh nhẹn cản: “Giờ vẫn ăn bún tươi hả? Nhà tôi chuyển qua ăn bún khô lâu rồi. Bún trắng, bóng bẩy thế này kiểu gì cũng chứa chất tẩy trắng trong bún gây suy gan, suy thận, ung thư”. Lại có một bạn đọc bày tỏ với Tiếp Thị Gia Đình: “Tôi thấy bún siêu thị hay bún chợ đều trắng, để 2–3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh mà không thiu. Phải chăng do bún chứa tinopal và chất bảo quản độc hại?”. Sự thật như thế nào?

ĐỘI PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA VÀO CUỘC

Để tìm hiểu liệu chất tẩy trắng trong bún có tồn tại trong các loại bún tươi trên thị trường, đội phóng sự điều tra của Tiếp Thị Gia Đình quyết định mua 5 mẫu bún ngẫu nhiên ở các kênh phân phối khác nhau và mang đi xét nghiệm. Trong số bún được mua, có hai mẫu bún mua trong siêu thị gồm bún Cát Tường (Metro Bình Phú, Q. 6) và bún Kiều Trang (Co.opmart Tuy Lý Vương, Q. 8). Hai mẫu bún này đóng trong bịch kín, sợi to, trắng tươi và ngửi không thấy nhiều mùi chua. Mẫu thứ 3 là bún Thanh Thanh mua tại chợ Bình Đông, địa chỉ nhà sản xuất tại 239/1/55 Khuông Việt, P. Phú Trung, Q. Tân Phú. Mặc dù bún có bao bì, nhưng không đóng kín, sợi nhỏ, hơi trắng và có mùi chua mạnh.

Ngoài ra, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình mua thêm hai mẫu bún bày bán trong rổ ngoài chợ và cả hai không có nhãn mác, bao bì, nhà sản xuất. Ghé chợ Tân Định, khi Tiếp Thị Gia Đình yêu cầu mua hai kg bún, cô chủ hàng niềm nở lấy bún từ rổ còn đầy ắp cho vào túi ni-lông trao ngay cho khách. Còn ở vùng ngoại thành ven TP. HCM, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình ghé chợ Rạch Kiến, X. Long Hòa, H. Cần Đước, T. Long An. Ở khu bán bún trong nhà lồng chợ, chị chủ sạp bún tên Vui mang găng tay ni-lông và bốc bún cho Tiếp Thị Gia Đình. Sợi bún trông tơi, khô, hơi trắng và có mùi chua tương đối nhẹ. Khi Tiếp Thị Gia Đình yêu cầu người tiêu dùng đánh giá bằng cảm quan, đa số gom các loại bún có màu trắng nhiều như Cát Tường, Kiều Trang vào loại “có vấn đề” vì sợi bún tơi, dai, nhìn thấy trắng tinh và các bún mua ở chợ có vị chua mạnh, trắng đục lại được xem là an toàn.

Co khong chat tay trang trong bun hinh anh 1

Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 3, TP. HCM

Đội phóng sự điều tra của Tiếp Thị Gia Đình mang cả 5 mẫu bún trên đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 3, TP. HCM, để yêu cầu xét nghiệm 4 chỉ tiêu gồm: định tính tinopal, hàm lượng a-xít oxalic, hàn the và chất bảo quản formaldehyde. Đây là bốn chất hóa học từng làm nên cơn sóng người tiêu dùng tẩy chay bún tươi, lo lắng bún chứa hóa chất độc hại vào năm 2013.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, không giống như nghi ngại của người tiêu dùng, tất cả 5 mẫu bún, dù là bún chợ hay bún siêu thị, từ nội thành hay ngoại thành, tất cả đều âm tính với tinopal, hàn the đồng thời không phát hiện thấy a-xít oxalic và formaldehyde.

Tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Dương, Tiếp Thị Gia Đình được biết: “Chi cục thường xuyên kiểm tra các loại bún trên thị trường trong tỉnh. Nhìn chung hiện nay, bún có thương hiệu, địa chỉ sản xuất đa phần đều an toàn cho sức khỏe”.

TẠI SAO BÚN VẪN TRẮNG VÀ DAI?

Với câu hỏi này, Tiếp Thị Gia Đình tìm đến ông Nguyễn Cát Chinh, chủ thương hiệu bún Cát Tường tại Gò Vấp, TP. HCM. Ông Chinh nói: “Bún trắng hay không trắng phụ thuộc vào nguyên liệu gạo và nguồn nước dùng để sản xuất bún. Nếu dùng gạo tốt, nước máy có qua lọc, quy trình sản xuất bún sạch, bún thường trắng. Ngược lại nếu dùng nước giếng khoan, gạo chất lượng kém, bún thường có màu hơi thâm. Như vậy sắc trắng của bún không hẳn là do có chứa tinopal và bún thâm chưa chắc đã là bún an toàn”.

“Bên cạnh đó, bún có mùi chua nhẹ hay mạnh là do quá trình ép chua kỹ hay không kỹ chứ không phải cứ không chua là có chất bảo quản formalehyde. Bún Cát Tường vẫn phải dùng chất bảo quản được phép sử dụng trong thực phẩm là natri benzoat (E211) trong giới hạn cho phép, không vượt quá 1.000mg/1kg sản phẩm. Nếu không có chất bảo quản này, vi sinh vật, nấm mốc trong bún sẽ phát triển rất nhanh và nhiễm vi sinh chính là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng”.

Co khong chat tay trang trong bun hinh anh 2

3 trong 5 mẫu bún được đem đi xét nghiệm

Nói về độ dai của bún, ông Chinh bắt đầu bằng việc mô tả quy trình làm bún. Đầu tiên là ngâm gạo 48 giờ, vo thật sạch, rồi nghiền thành bột nước để cho vào khay nhằm róc bớt nước chua rồi cho lên dàn ép thủy lực để ép nước chua. Tinh bột thu được từ bước này sẽ đổ vào máy quậy, quậy thật kỹ cho dẻo sau đó bơm lên dàn máy tạo sợi. Khi đã tạo thành sợi, sợi bún đi qua nồi hấp chân không, qua dây chuyền làm nguội rồi đến cân, đóng gói tự động. Điều làm nên độ dai, tơi cho sợi bún chính là ở bước hấp chân không. Trước đây, sợi bún phải trút xuống nồi nước sôi để không bị dính sợi. Song điều này cũng làm bún chín quá và mất đi độ dai. Hấp cách thủy sẽ giúp khắc phục hạn chế này và làm sợi bún dai mà vẫn tơi, ngon”.

Đồng tình với ông Chinh, chị Vui, chủ sạp bún ở chợ Rạch Kiến, Long An, nói: “Quy trình sản xuất bún càng sạch, càng bảo quản được lâu. Đó là lý do nhà tôi chỉ có hai vợ chồng tự sản xuất thủ công, không thuê thêm người ngoài vì sợ quy trình sản xuất không đảm bảo”. Chị cũng nói: “Sợi bún dai còn nhờ cách pha trộn nhiều loại gạo khác nhau, nhưng loại gạo cụ thể thì khó bật mí vì đó là “bí mật nhà nghề”.

NGHĨ VỀ “THÔNG TIN SẢN PHẨM BẨN”

Thực tế kết quả điều tra độc lập của Tiếp Thị Gia Đình đã chứng minh, thị trường vẫn có thực phẩm sạch. Song hiện nay người tiêu dùng đang mất niềm tin vào thực phẩm ở Việt Nam nên dễ hoang mang trước tin đồn. Nói về sự hoang mang của người tiêu dùng, ông Cát Chinh lý giải: “Tâm lý người tiêu dùng rất dễ bị dao động trước tin đồn và rồi còn tiếp tục lan truyền thông tin đó đến những người khác. Năm 2013, vì tin đồn bún chứa chất tẩy trắng độc hại mà tôi gần như phá sản. Sự cả tin vào tin đồn có thể bóp chết một doanh nghiệp”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Danh cũng cho biết: “Gần đây nhất có tin xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư. Đến khi có câu trả lời của cơ quan quản lý chuyên môn thì sự thật phơi bày, vì hạn chế nghiệp vụ, đội quản lý thị trường kiểm tra, xử lý và tuyên bố sai sự thật. Do đó, trước thông tin về thực phẩm bẩn, người tiêu dùng nên bình tĩnh theo dõi và đợi câu trả lời chính thức từ cơ quan quản lý hoặc các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đó. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng vào cuộc, không nên chần chừ và sợ chịu trách nhiệm. Người tiêu dùng có câu trả lời thỏa đáng sẽ yên tâm vào lựa chọn của mình”.

Chúng ta cương quyết tẩy chay thực phẩm bẩn, nhưng cũng cương quyết bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và tẩy chay “thông tin bẩn”. Đó là cách chúng ta bảo vệ sức khỏe của mình, để an tâm hơn trong cuộc sống vốn đã có quá nhiều mối lo.

CÁCH CHỌN BÚN AN TOÀN

Co khong chat tay trang trong bun hinh anh 3

Hãy là người tiêu dùng thông minh: Trong 3 mẫu bún Tiếp Thị Gia Đình mua ngoài chợ, chất tẩy trắng trong bún được xác định là âm tính. Song, trong điều kiện môi trường ô nhiễm nặng như hiện nay, nếu bún không được đóng kín, tiếp xúc với ô-xy, bụi bẩn, ruồi, muỗi thì lượng vi sinh vật sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Nếu ăn phải bún nhiễm vi sinh, người ăn có dấu hiệu ngộ độc cấp tính như đau bụng, chóng mặt và nôn ói.

Đối với nhà sản xuất: Theo ông Nguyễn Cát Chinh, 1 tuần 2 lần, chúng tôi dùng vôi Càng Long đóng sẵn trong gói, hòa ra rồi xịt rửa vệ sinh máy móc, thiết bị, tường nhà, sàn nhà. Để qua đêm, sáng hôm sau, chúng tôi vệ sinh sạch sẽ lại máy móc trước khi sản xuất. Xen kẽ vào đó, mỗi tuần tôi sử dụng cồn công nghiệp thường dùng trong bệnh viện để làm sạch khu vực, thiết bị sản xuất nhằm tiêu diệt nấm mốc. Ngoài ra, việc treo thêm đèn UV cũng có thể giúp diệt trứng ấu trùng.

Với người bán: nên chọn bún có đóng gói, có thương hiệu và nhà sản xuất rõ ràng để phân phối. Điều này có thể giúp người mua an tâm hơn. Trong trường hợp dùng tay lấy bún, người bán cần dùng bao tay và che đậy sản phẩm kỹ để tránh bụi bẩn, ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua