Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Cho đi và nhận lại

Càng cho nhiều, bạn càng có nhiều. Đây là phương châm sống mà cũng là bảo bối giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Bạn có từng nghe đến "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp"?

Có lẽ bạn đã nghe đến khái niệm: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, hay viết tắt là CSR (Corporate Social Responsibility). Tiêu chí đo lường thành công, sự phát triển của một công ty, doanh nghiệp không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn được xem xét ở khía cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp ấy đối với xã hội.

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Trách nhiệm xã hội không chỉ nằm ở các chương trình từ thiện, các hoạt động xã hội mà còn thể hiện ở nhiều mặt khác. Thứ nhất, doanh nghiệp của bạn phải chăm lo tốt cho đời sống người lao động và gia đình họ. Thứ hai, kinh doanh phải có đạo đức thể hiện ở việc cam kết về chất lượng, giá thành, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ không gây tổn hại đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Điều quan trọng nữa là việc sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

UNILEVER, MỘT VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH

trach nhiem xa hoi cua doanh nghiep hinh anh 1

Chương trình PS bảo vệ nụ cười Việt Nam (PVS)

Khi nói về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hay phát triển bền vững, nhiều bài báo trên thế giới thường nhắc đến tập đoàn Unilever. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động CSR, thông qua Kế hoạch phát triển bền vững của mình, Unilever đã xác lập mục tiêu phát triển tập đoàn lớn mạnh gấp đôi, giảm tác động tới môi trường và tăng cường tác động xã hội tích cực. Nếu bạn hỏi các bà nội trợ nghĩ đến sản phẩm nào khi muốn mua kem đánh răng và nước rửa tay, rất đông sẽ nói đến P/S và Lifebuoy. Phần đông người Việt Nam thường chọn mua sản phẩm theo cảm tình, thói quen và hai thương hiệu này đã in sâu trong tình cảm của nhiều người. Một phần hiệu quả đó đến từ những hoạt động tích cực mà Unilever mang đến cho xã hội và môi trường. Nhìn vào kế hoạch phát triển bền vững của Unilever Việt Nam giai đoạn 2012–2020, bạn sẽ thấy có ba mục tiêu mà Unilever đang và vẫn làm:

Cải thiện sức khỏe và vệ sinh cho hơn 20 triệu người. Rất nhiều người tiêu dùng nhớ đến P/S vì chương trình P/S Bảo vệ nụ cười Việt Nam với hàng ngàn chuyến xe nha lưu động đi tới mọi miền đất nước khám răng, giáo dục cách chăm sóc răng miệng hay phẫu thuật cho các em sứt môi, hở hàm ếch. Không ít người tiêu dùng nhớ đến Lifebuoy bởi hành trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”. Biệt đội tay sạch của Lifebuoy đi đến các vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền về thói quen rửa tay bằng xà phòng nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và đời sống cho trẻ em nông thôn Việt Nam.

Giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và tiêu phí nguyên liệu. Điều này thực hiện thông qua chuỗi cung ứng, ngay tại nhà máy sản xuất và cũng thể hiện qua việc Unilever nỗ lực đổi mới để cho ra đời những sản phẩm tiết kiệm nước, điển hình như sản phẩm Comfort một lần xả.

trach nhiem xa hoi cua doanh nghiep hinh anh 2

Sẵn sàng phục vụ xã hội là nét văn hóa của doanh nghiệp lớn

Nâng cao điều kiện sống cho hàng triệu người dân Việt Nam. Ấn tượng nhất phải kể đến mô hình làng hoàn hảo được xây dựng ở 400 xã trên cả nước. Trong ngôi làng đó, tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường, kinh tế… đều được cải thiện nhằm mang đến sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân. Có thể khẳng định, chính kế hoạch phát triển bền vững đã giúp công ty này không ngừng lớn mạnh và ngày càng chiếm được nhiều cảm tình, sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nếu tất cả các công ty, doanh nghiệp đều ý thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tin rằng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển bền vững và cuộc sống của chúng ta cũng sẽ cải thiện theo hướng tốt đẹp hơn.

Bài: THIÊN MINH

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua