Những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi trở lại các làng chài ven biển miền Trung. Hỏi đến chuyện thảm hoạ cá chết ở miền Trung, nhiều ngư dân thẫn thờ nhìn ra biển với ánh mắt đầy lo lắng. Ngồi trên ghe, ông Võ Xuân Hoàng, 59 tuổi, xóm Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nói: “Cá, tôm chết khiến tàu thuyền nằm bờ. Là ngư dân bám biển, giờ đây chúng tôi không biết làm nghề gì mà sống, nghèo đói mất thôi”.
NGHÈO ĐÓI SẼ PHẢI BỎ LÀNG ĐỂ SINH NHAI?
Đến cánh đồng ngao Cửa Khẩu, ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, ruột gan chúng tôi như bị xát muối. Người dân chở từng tấn vỏ ngao chết đi đổ mà cứ rưng rưng nước mắt. Trước khi cá chết, người ta thường thấy bà Mai Thị Nhạn, ở thôn Bắc Hà hay lui tới thăm ngao. Nhưng giờ đây, khoảng 20 tấn ngao chết sạch. “Vay mượn cả hàng trăm triệu đồng để mua giống. Ngao sắp thu hoạch, ai ngờ lại hai bàn tay trắng”, bà Nhạn than thở.
Ngày nào ông Nguyễn Xuân Phương, ở thôn Bắc Hải, cũng nước mắt ngắn dài, nhìn cánh đồng nghêu chết. Ông kể, từ ngày 8–4 khi nước thủy triều rút, người dân ở Kỳ Hà thấy ngao nổi trắng bãi. Mọi người nghi nước bị ô nhiễm. “Ngao chết, cơ quan chức năng khuyến cáo chưa được nuôi thả. Thế là chúng tôi trở thành những con nợ, không biết khi nào trả hết. Mất mát này còn thấm mãi vào da thịt”, ông Phương than.
Nhìn bà con thu dọn ngao chết, ông Lê Văn Luyến, chủ tịch xã Kỳ Hà chỉ biết lắc đầu, cho biết xã này có hàng chục hộ nuôi ngao, dự kiến mùa này sẽ đạt gần 100 tấn. Thế mà sau một đêm, ngao chết sạch. Ngoài ra, xã có hơn 200 tàu thuyền, trên 500 lao động nghề biển, bây giờ gần như gác chèo. Có người còn đòi bỏ khỏi làng đi tìm kế sinh nhai nơi khác.
Ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, anh Nguyễn Văn Thọ nói không nên lời. Anh có bốn lồng cá nuôi ở khu vực biển Vũng Áng. Nhìn cá hồ, cá giò, cá bớp ở bè của anh lớn nhanh, ai cũng khâm phục anh là người trẻ tuổi nhưng có máu làm ăn khi vay mượn cả tỷ đồng làm lồng bè nuôi cá. Đột ngột, sáng sớm 6–4, anh thấy cá trong lồng nhảy rộ lên khỏi mặt nước. Một giờ sau, cá lờ đờ, ngửa bụng, nổi lên mặt nước chết hàng loạt, khiến anh lâm vào cảnh khốn khó. “Chưa bao giờ chúng tôi rơi vào cảnh điêu đứng thế này. Nhìn cá chết mà không biết hỏi ai đã gây ra nguyên nhân này”, anh nói như khóc.
Khoảng đầu tháng Tư, cá nuôi lồng bè, cá tự nhiên ở dọc bờ biển thị xã Kỳ Anh bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế. Các làng chài ven biển của những tỉnh này yên lặng đến kinh ngạc trước thảm hoạ cá chết ở miền Trung. Những phiên chợ chiều dọc bãi biển vắng tanh, không một con cá, con tôm. Những khu nhà hàng ở các bãi biển đẹp không một bóng khách. Từ khi cá chết, hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ của ngư dân bãi ngang xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh được kéo hẳn lên bờ. Mới bỏ ra 80 triệu đồng mua chiếc máy nổ, ông Võ Xuân Hoàng xót của, ngày nào cũng ra lau chùi, kẻo bị rỉ. Ông nói, chiếc thuyền nhỏ đang nằm trên cạn là nguồn nuôi sống cả gia đình ông. Đầu tháng Tư đến nay, ông ra khơi đến bốn lần nhưng lần nào máy thăm dò cũng đều báo không có cá. “Tình trạng này kéo dài thì dân đánh bắt ven bờ chỉ còn chết đói”, ông nói.
Không ai có thể lường trước được sự ảnh hưởng kinh khủng thế nào của thảm họa cá chết ở miền Trung. Ngay đến những làng chài ven biển không có cá chết, ngư trường cũng vắng lặng, các dịch vụ kinh doanh nghề cá hầu như bị đóng băng.
BỎ BIỂN VỀ SÔNG
Gánh chịu thảm hoạ cá chết ở miền Trung, cảnh đói kém cận kề, nhiều ngư dân đã không thể chấp nhận nổi thực tế này. Về xã Kỳ Hà, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ lội dưới sông để kiếm từng con cua, con tôm nước ngọt để sống qua ngày. Đang lội dưới sông, bà Hương cho biết từ khi chồng không đi biển, ngày nào bà cũng tìm đến các con sông nước ngọt mò hến, bắt tôm tép đem đến chợ bán. Có ngày bà kiếm được 100.000 – 200.000 đồng. “Cá biển đã chết, giờ mà ngồi ở nhà có mà chết đói”, bà nói.
Tương tự, ngư dân thuộc vùng bãi ngang các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chuyển sang đi lặn sò về bán. Cuối tháng Tư, chúng tôi tìm về cảng cá Thạch Kim thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, bất ngờ trước cảnh nhộn nhịp tàu thuyền vào ra cảng. Ngoài tàu cá Hà Tĩnh, chúng tôi thấy còn có những con tàu mang biển hiệu Bình Thuận, Thanh Hóa cập cảng để nhập hàng tạ sò lụa, sò lông.
Cảng cá nhộn nhịp hẳn lên khi có nhiều ô-tô tải đông lạnh cập cầu tàu “ăn” hàng. Hàng chục chị em phụ nữ được các tiểu thương thuê ngồi phân loại sò, ướp sò. Ông Nguyễn Văn Hải, ngư dân ở xã Thạch Kim cho biết từ trước đến giờ tàu của ông chuyên đi đánh bắt cá. Vùng biển ông thường đi đánh bắt cách bờ biển Thạch Kim khoảng 10–12 hải lý không có hiện tượng cá chết hàng loạt.
Ông Bùi Tuấn Sơn – giám đốc cảng cá Thạch Kim, cho biết hơn một tuần nay tàu thuyền vào cảng nhập sò tăng đột biến. Có chiều, có đến 200 chiếc tàu cập cảng để bán sò. “Ngư dân bãi ngang tự xoay sở trước thảm họa cá chết. Không đi đánh cá được, họ chuyển sang nghề lặn sò để qua cơn khó”, ông Sơn nói.
Nhằm hỗ trợ ngư dân, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ 750 triệu đồng cho ngư dân bị thiệt hại, hỗ trợ gạo cho dân với mức khoảng 15kg gạo/khẩu/tháng và kéo dài trong thời gian trước mắt là một tháng rưỡi.
ĂN CÁ AN TOÀN
Nhiều tuần nay, đi khắp các chợ, siêu thị, gian hàng hải sản khá vắng khách. Người tiêu dùng truyền tai nhau tẩy chay hải sản vì sợ nhiễm độc. Điều đó khiến cho tình cảnh của ngư dân đã khốn càng thêm khốn, cá đánh về nhưng không bán được.
Trên thực tế, các loại cá sống xa bờ vẫn an toàn cho sức khỏe, ví dụ như cá ngừ đại dương, cá thu. Không nên tẩy chay tất cả các loại cá để tiếp sức, ủng hộ ngư dân và vì chính sức khỏe của bạn cùng gia đình. Bạn có thể lựa chọn các loại hải sản có nguồn gốc rõ ràng bán trong siêu thị.
Bên cạnh đó, khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra thảm hoạ cá chết ở miền Trung, chúng ta không nên gây hoang mang cho những người xung quanh. Lan truyền thông tin không chính thống chính là bóp chết đường sống của hàng triệu đồng bào ngư dân vốn đã gặp quá nhiều khó khăn.
ÁM ẢNH FORMOSA
Formosa Hà Tĩnh là một siêu dự án gang thép. Sau khi cá chết, nhiều người tập trung nghi ngờ vào Formosa xả nước thải chưa qua xử lý. Cơ quan chức năng cho biết, hiện nguyên nhân cá chết chưa thấy có mối liên hệ với Formosa. Nhưng nhắc đến Formosa, nhiều người vẫn ám ảnh vì phát biểu gây sốc từ một đại diện đơn vị này. Lúc được hỏi tại sao quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại của Formosa phát biểu: “Nhà nước muốn ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.
Được biết, từ ngày 4 đến 6–5, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra về tình hình xả thải, bảo vệ môi trường tại nhiều doanh nghiệp và công trình phụ trợ ở Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), trong đó có Formosa.
Cứu ngư dân khỏi thảm họa với biển nhiễm độc
• Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám có công văn yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chế biến làm thực phẩm cho con người hoặc thức ăn chăn nuôi với hải sản chết dạt vào bờ, hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mà có kết quả kiểm định không an toàn.
• Bộ Công Thương thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt bảo đảm an toàn. Số điện thoại di động 0979815668, 0906725555 hoặc (04)22205359.
• Hiện tại, Co.opmart và nhiều siêu thị lớn đã cam kết đồng hành lâu dài với ngư dân miền Trung trong việc thu mua, tiêu thụ các loại thủy, hải sản sau khi có chứng nhận đảm bảo sạch, an toàn.
Bài: VĂN ĐỊNH
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình