Liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab đã được chứng minh giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân, giúp điều trị ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Tiếp Thị Gia Đình đã có cuộc trao đổi với TS–BS. Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM quanh liệu pháp mới này.
Tiếp Thị Gia Đình: Trước hết, bác sỹ có thể cho bạn đọc biết tổng quát về tình trạng ung thư cổ tử cung và buồng trứng hiện nay?
TS–BS. VŨ VĂN VŨ: Tỷ lệ ung thư cổ tử cung của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới với hơn 5.000 bệnh nhân một năm. Với ung thư buồng trứng, con số này là 1.200, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao với tỷ lệ sống 5 năm chỉ khoảng 45%. Do triệu chứng của bệnh hay bị nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa, bệnh nhân thường phát hiện muộn khiến việc điều trị khó khăn hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tiên lượng sống.
Tiếp Thị Gia Đình: Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng nói riêng và ung thư nói chung hiện nay là phẫu thuật và hóa xạ trị. Vậy liệu pháp mới này là gì và có lợi ích thế nào?
TS–BS. VŨ VĂN VŨ: Bevacizumab là một loại kháng thể khi tiêm vào người sẽ khóa các yếu tố kích thích sinh mạch, qua đó hạn chế sự phát triển và tạo thành các mạch máu mới nuôi tế bào ung thư. Do vậy, Bevacizumab có 2 tác dụng là làm giảm thiểu dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư và làm tăng lượng thuốc hóa trị kèm theo đến tiếp xúc, tấn công khối u. Các phương pháp ở giai đoạn đầu thường hiệu quả nên không cần kháng sinh mạch. Nhưng nếu chẩn đoán muộn, khối u di căn hoặc tái phát, bác sỹ sẽ điều trị kết hợp kháng sinh mạch. Bevacizumab đã được dùng phổ biến trên thế giới 1–2 năm nay và đạt hiệu quả khá cao.
Tiếp Thị Gia Đình: Thời gian sống của bệnh nhân kéo dài hơn được bao lâu, thưa bác sỹ?
TS–BS. VŨ VĂN VŨ: Tùy vào từng bệnh nhân mà thời gian sống có thể dài hơn 4 tháng với ung thư cổ tử cung và trên 6 tháng
với ung thư buồng trứng.
Tiếp Thị Gia Đình: Hiệu quả tốt, nhưng liệu pháp này có kén bệnh nhân hay gây ra tác dụng phụ nào khác không, thưa bác sỹ?
TS–BS. VŨ VĂN VŨ: Tác dụng phụ thường xuất hiện sau chu kỳ điều trị thứ 2 hay thứ 3, với tình trạng thường gặp nhất là tăng huyết áp và rò âm đạo nhưng ở số ít và có thể xử lý được. Ngoài ra, do kháng sinh tác động đến mạch máu nên có thể gây ra vài biểu hiện khác ít gặp hơn như thủng tiêu hóa, tăng đông máu… Do vậy, liệu pháp này đòi hỏi phải sàng lọc kỹ bệnh nhân. Chỉ bệnh nhân nào ở giai đoạn muộn mà không bị rối loạn đông máu và huyết áp ổn định mới có thể trị liệu.
Tiếp Thị Gia Đình: Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ!
Những điều phụ nữ cần biết để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng
√ Chích ngừa cho trẻ em gái từ 9–13 tuổi là tốt nhất vì ở độ tuổi này, các em chưa có quan hệ tình dục, chưa bị nhiễm HPV.
√ Khám phụ khoa định kỳ, kiểm tra và tầm soát ung thư bằng kỹ thuật Pap hoặc bằng xét nghiệm DNA HPV ở cổ tử cung. Trong đó, xét nghiệm HPV là bước đầu tiên giúp phát hiện ung thư.
Đến nay, nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh này là phụ nữ bị ung thư vú, phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ có kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn… Vì vậy, khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như đau bụng, đầy hơi, no nhanh… bạn nên đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt.
Bài: Xoa Nguyễn
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình