Lứa tuổi lên ba là một trong những thời điểm vàng trong chặng đường phá triển của trẻ em. Các tế bào thần kinh của bé phát triển vượt bậc và bắt đầu được vận dụng tối đa để bé có những suy nghĩ của riêng mình. Nếu cục cưng của bạn đang ở giai đoạn này, bạn nên tận dụng thời gian để tạo cho trẻ những cơ hội phát triển, nâng cao khả năng tư duy và suy nghĩ logic. Nhưng lúc này, bé cũng đang phải đối mặt với “khủng hoảng tuổi lên ba”. Có thể bé sẽ rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời ba mẹ, không làm theo sự hướng dẫn của người lớn.
Cách dạy trẻ 3 tuổi cần phải mềm dẻo, linh hoạt, học mà chơi, chơi mà học, thông qua các trò chơi để rèn luyện kỹ năng cho bé. Bạn hãy thử áp dụng một vài trò chơi với bé nhà mình.
Đóng kịch để dạy kỹ năng mềm
Đây là trò chơi hầu hết các em bé ở lứa tuổi này đều thích và hưởng ứng nhiệt liệt. Ban nên cùng con chơi những trò xảy ra hàng ngày như đi siêu thị, đi đường…và đặt ra nhiều tình huống để dạy bé.
Ví dụ, khi đi siêu thị, bé sẽ được vào vai mẹ hoặc cô bán hàng, còn mẹ sẽ đóng vai em bé. Khi bị lạc mẹ, em bé phải làm gì, hỏi ai…Hoặc bạn đặt ra tình huống, nếu có người lạ rủ đi chơi, em bé (do mẹ đóng vai) phải phản ứng như thế nào…Bằng cách dạy trẻ 3 tuổi này, bé sẽ nhớ và biết những gì mình cần phải làm nếu gặp tình huống tương tự. Có thể sáng tạo thêm nhiều vở kịch khác như công chúa nấu ăn bị đứt tay, người nhện phải ở nhà một mình…để dạy bé thêm vè kỹ năng sống. Bạn có thể lặp đi lặp lại vở kịch để bé nhớ lâu hơn.
Các trò chơi rèn luyện sự khéo léo trong cách dạy trẻ 3 tuổi
Ở độ tuổi này, tay bé đã khéo léo hơn, bé biết điều khiển hoạt động của chân tay theo ý muốn. Bé cũng dần học được cách phân biệt màu sắc, hình dáng, nên ba mẹ hãy dành thời gian giúp bé vừa chơi vừa học bằng cách: chọn những hạt gỗ hoặc hạt nhựa to, nhiều màu sắc, hình dáng khác nhau để bé xâu hạt theo gợi ý chủ đề của ba mẹ. Đây là lúc để bạn dạy cho bé về các màu sắc, hình khối, số đếm, cao – thấp, nhiều – ít… Bạn cũng có thể cho bé dùng một chiếc kẹp để gắp hạt từ chỗ này bỏ sang chỗ khác để các ngón tay của bé linh hoạt và nhanh nhẹn hơn.
Cho bé cùng lao động
Được cùng người lớn làm việc nhà như: lau nhà, quét nhà, tưới cây, rót nước, vứt rác, bật quạt…không chỉ giúp bé tăng khả năng vận động, rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn hình thành cho bé thói quen độc lập, tự làm việc cá nhân và ý thức giúp đỡ người xung quanh ngay từ bé. Bạn đừng sợ bé làm bẩn, làm ẩu, hãy cho bé tập cách tự làm vệ sinh cá nhân: rửa tay, rửa mặt, gấp quần áo, mặc quần áo, học cách cầm thìa cầm đũa tự ăn…ngay từ lúc này.
Luyện các giác quan
Các giác quan của trẻ em rất nhạy cảm. Nếu được luyện tập từ sớm, bé sẽ có sự nhạy cảm, biết quan sát, sẻ chia với thế giới xung quanh sớm. Để luyện xúc giác, thính giác, hãy cho bé nhắm mắt để đoán đồ vật, âm thanh tự nhiên như tiếng mưa, tiếng đàn, tiếng các con vật… Bạn cho bé nhận biết mùi vị xung quanh để luyện khứu giác, nếm thử nhiều loại đồ ăn để luyện vị giác…
Hòa nhập với mọi người
Dù bé ăn uống vẫn còn vụng về, nói vẫn còn ngọng nghịu, nhưng hãy để cho bé tham gia tất cả các sinh hoạt chung cùng gia đình như: ngồi cùng bàn ăn, cùng nghe nhạc, cùng gấp quần áo, làm bếp… để bé nhận thấy mình cũng giống như người lớn, cần tự lập hơn.
Cách dạy trẻ 3 tuổi qua các trò chơi, hoạt động hàng ngày cần phải được duy trì thường xuyên. Dù bận rộn nhưng ba mẹ, anh chị hãy dành thời gian để chơi cùng bé, cùng bé lớn lên mỗi ngày.
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình