Cách dạy con học để bé thích học hơn

Để biết cách dạy con học khoa học giúp bé yêu việc học hơn, tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho con sau này, bạn hãy tham khảo các cách dạy con dưới đây

Cách dạy con học của bố mẹ đóng vai trò quan trọng để tạo cho trẻ thói quen tốt – xấu khác nhau. Bé có thể chủ động trong việc học hay tìm thấy niềm vui, hứng thú để học tập tốt, phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục, hướng dẫn của bố mẹ từ những ngày đầu.

CÙNG CON TẠO KHÔNG GIAN HỌC TẬP

Cùng con chọn một vị trí học tập yên tĩnh, thoáng đãng trong nhà làm góc học tập cho trẻ. Đó có thể là phòng của bé hoặc một chiếc bàn trong nhà bếp, phòng ăn với đầy đủ các vật dụng như bút chì, bút mực, giấy, sách… không cần quá chú trọng đến hình thức. Nơi này cũng cần tránh xa tiếng ồn hay có thể nhìn thấy đường phố, sân chơi. Loại trừ càng nhiều yếu tố làm cho bé sao nhãng càng tốt.

Tránh để quá nhiều người vào nơi trẻ học. Không cho trẻ vừa học vừa xem tivi hay nghe nhạc vì trẻ sẽ khó tập trung học. Bạn chỉ cần hướng dẫn trẻ, cùng con dọn dẹp góc học tập thật gọn gàng, sạch sẽ. Xếp sách vở mới của con sẵn sàng lên kệ. Có thể dán thêm một thời khóa biểu xinh xắn. Bé sẽ hứng thú với việc học. Trong góc học tập của trẻ, ngoài sách vở và đồ dùng học tập, không nên để quá nhiều đồ chơi, sách truyện khiến trẻ chỉ muốn chơi mà không tập trung vào việc học.

LẬP THỜI GIAN BIỂU HỌC TẬP HỢP LÝ

cach day con hoc hinh anh 1

Bắt đầu buổi học bằng cách đánh một bản nhạc yêu thích để tạo hứng thú cho con học

Bố mẹ thường ép con vào một khuôn khổ nhất định của mình. Tuy nhiên, do quá bị ràng buộc nên nhiều trẻ có biểu hiện mệt mỏi, cáu gắt và đến một lúc nào đó, trẻ sẽ cố gắng tìm cách thoát ra sự ràng buộc đó. Đây không phải là cách dạy con học tốt. Bạn hãy trao đổi với bé để đưa ra một thời gian học tập hợp lý ở nhà nhưng không kéo dài quá vì khiến trẻ chán học. Điều này giúp trẻ có thói quen và nhịp sinh học tốt. Bạn có thể cho bé học từ 7 – 9 giờ tối hoặc những khoảng thời gian mà bé có thể tập trung tốt và hoạt động trong gia đình không làm ảnh hưởng đến việc học của bé.

Trẻ cần làm xong bài tập mỗi ngày mới được đi ngủ để bé tự có trách nhiệm với việc học của mình. Nếu lượng bài tập quá nhiều, bạn nên chia nhỏ ra từng phần và yêu cầu bé hoàn thành từng phần theo thời gian mà bạn quy định.

Thông thường, sau khi ngồi vào bàn học 15 phút, bé mới bắt đầu tập trung cao độ và ổn định. Vì thế, bạn nên hướng dẫn trẻ chọn những bài tập dễ làm trước, bài khó làm sau. Khi học xong một môn, làm xong một bài tập, bạn cho trẻ nghỉ giải lao vài phút rồi mới học tiếp. Nếu thấy bé không hào hứng lắm khi học, bạn có thể bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích… để lấy lại hứng thú cho bé.

TẠO KHÔNG KHÍ THOẢI MÁI KHI DẠY BÉ

cach day con hoc hinh anh 2

Khi hướng dẫn trẻ học bài, làm bài tập, bạn giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng, tạo cảm giác bình đẳng và bố mẹ như người bạn thân thiết của chúng. Thường xuyên khích lệ trẻ bày tỏ ý kiến cá nhân, chủ động tìm tòi, suy nghĩ để khả năng nhận thức phát huy ở mức độ cao. Trong lúc con học, bố, mẹ hay người thân cũng ngồi làm việc hoặc đọc sách, không nói chuyện quá to hay ngồi xem tivi trong lúc con học. Nếu người thân xem tivi sẽ làm bé mất tập trung và cảm thấy đơn độc, ghen tỵ vì mình phải học trong khi mọi người ngồi chơi.

KẾT HỢP HỌC VÀ CHƠI

Bạn có thể xen kẽ việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để giúp trẻ thích thú với việc học. Ví dụ, bạn biến việc học toán thành trò chơi bán hàng. Khi bán hàng, bạn sẽ dạy con các con số, phép cộng trừ rất nhanh qua việc mua hàng, bán hàng, trả tiền thừa… Hoặc tìm những cuốn truyện đọc cho trẻ nghe rồi cả nhà cùng tìm hiểu bằng những câu đố, gợi ý để trẻ hỏi lại.

KHÔNG ĐÁNH MẮNG TRẺ

Với học sinh tiểu học, bạn không nên ép con học ở nhà quá nhiều, không tạo áp lực bắt buộc bé phải ngồi vào bàn học bằng mọi cách vì khi đó, bé sẽ không thể tiếp thu được kiến thức mà còn chán ghét việc học hơn. Trẻ không được vui chơi sẽ sinh ra mất hứng với việc học, lười học. Nhiều người thấy con lười học liền đánh mắng, dọa dẫm, phạt trẻ. Điều này dễ dẫn đến việc trẻ không muốn học, vừa sợ bố mẹ vừa sợ đến lớp. Khi bị bố mẹ đánh, trẻ sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, vô tình tạo ra sự chống đối ở trẻ.

Việc đánh con là biểu hiện của sự bất lực, không lắng nghe và quan sát tâm lý của trẻ, sẽ dẫn đến tổn thương lâu dài về mặt tâm lý cho trẻ. Sau này, trẻ dễ có hành vi gây hấn với trẻ khác khi không vừa ý hoặc bắt chước bố mẹ các hành vi bạo lực.

Tạo cho bé những mục đích học tập phù hợp về điểm số, thành tích nhưng không đặt nặng quá nhiều về thành tích. Thưởng những món quà nhỏ cho bé khi bé đạt được mục đích của mình để khuyến khích bé học.

ĐỪNG NỔI CÁU VỚI CÂU HỎI CỦA BÉ 

Trẻ nhỏ thường rất hiếu động và luôn hỏi các câu hỏi như vì sao, thế nào. Tuy nhiên, do quá bận công việc nên khi gặp những câu hỏi liên tiếp của con, nhiều bố mẹ cảm thấy bực bội, quát mắng con trẻ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng sợ hỏi của con. Khi đến lớp, trẻ cũng sẽ không dám hỏi những vấn đề chưa hiểu với cô giáo.

Vì thế, bạn nên giải đáp mọi thắc mắc của con mọi lúc mọi nơi, không nên trả lời “không biết” đối với trẻ. Khi không biết câu trả lời, bạn có thể nói với con cùng mình tìm câu trả lời.

KHUYẾN KHÍCH TRẺ TỰ HỌC, ĐỌC SÁCH NHIỀU HƠN

Với bé nhỏ, bạn có thể khuyến khích bé đọc nhiều các loại sách khác nhau và luôn ngồi cạnh để giải thích những từ, nội dung bé chưa hiểu rõ. Với trẻ lớn hơn, bạn hướng dẫn con ghi chú lại những điều cơ bản khi trẻ đang đọc một chương sách, nghiên cứu các bảng biểu và bản đồ, tóm tắt những gì đã đọc bằng ngôn từ của mình. Ngoài ra, trẻ còn có thể ghi lại những điều cần ghi nhớ như công thức, từ hay nhầm lẫn… trên những mẩu giấy nhỏ và dán ở nơi trẻ dễ thấy nhất.

CHỈ HỖ TRỢ CHỨ KHÔNG LÀM THAY BÀI TẬP CỦA TRẺ

cach day con hoc hinh anh 3

Bạn hỗ trợ bé làm bài tập như kiểm tra lỗi chính tả, hướng dẫn gợi ý cho bé làm bài nhưng không nên giúp con làm hết bài tập vì sẽ tạo cho bé thói quen ỷ lại, lười suy nghĩ. Khi đó, bé không thể nhớ bài cũ và hiểu rõ nội dung mình cần làm vì đã không tự làm bài tập ở nhà. Hãy để bé có thời gian tự suy nghĩ và tự hoàn tất bài tập của mình.

Cách dạy con học đúng là đọc lại đề bài hoặc kiểm tra kết quả phép toán sau khi bé đã làm xong. Dù bé có làm sai, bạn cũng bình tĩnh và đưa ra lời nhận xét tích cực. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên hỏi bé những câu hỏi như: “Bài kiểm tra toán của con thế nào?”, “Bài tập lịch sử của con đã làm xong chưa, có cần mẹ giúp gì không?”… Điều đó sẽ động viên bé học rất nhiều.

Ngoài ra, bạn có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về lòng hiếu học của những nhà khoa học hiện đại hoặc cổ xưa để trẻ lấy đó làm tấm gương học tập.

Bài: Vi Cao

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua