Không ít bậc cha mẹ nghĩ rằng quát nạt hay đánh đòn con trẻ mới là cách dạy con nghe lời hiệu quả nhất. Tuy vậy, các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh điều ngược lại.
Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học đến từ Đại học Texas và Michigan (Mỹ) thực hiện cho thấy, cha mẹ đánh đập con có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và xã hội ở trẻ nhỏ như hành vi chống đối xã hội và nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Tâm lý học Gia đình đã nghiên cứu dữ liệu 160.000 trẻ trong vòng 50 năm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra trẻ bị đánh đòn càng thường xuyên thì càng dễ hình thành hành vi chống đối xã hội, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần và hay gây hấn. Thêm nữa, trẻ hay phải chịu đòn roi cũng có khả năng áp dụng hình phạt bằng bạo lực lên con cái mình sau này cao hơn các trẻ khác.
Theo giáo sư Elizabeth Gershoff chuyên nghiên cứu về phát triển con người và khoa học gia đình tại Đại học Texas: “Chúng tôi nhận thấy rằng dạy con bằng đòn roi gây ra những hậu quả ngoài ý muốn, nó không khiến trẻ trở nên vâng lời hơn ngay tại thời điểm bị phạt cũng như sau này. Theo báo cáo năm 2014 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 80% phụ huynh trên thế giới thừa nhận đánh đòn con cái như một cách dạy con nghe lời.
Các nhà nghiên cứu khẳng định, dạy con bằng roi vọt không hề mang lại kết quả tích cực cho sự phát triển và hành vi của trẻ. Những hậu quả của roi vọt thậm chí còn được so sánh với lạm dụng thể chất.
Xã hội cho rằng đòn roi và lạm dụng thể chất là hai phạm trù khác biệt. Thế nhưng công trình của chúng tôi chỉ ra đánh đòn mang đến những hệ quả giống như lạm dụng, chỉ nhẹ hơn đôi chút.
Ở một số quốc gia trên thế giới như Đức, Na Uy, Phần Lan, Áo, Thụy Điển… việc sử dụng bạo lực khi dạy trẻ bị coi là hành động phạm pháp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ với tâm lý “thương cho roi cho vọt” lại tin rằng đòn roi mới là biện pháp giáo dục hiệu quả nhất để giúp trẻ ngoan hơn.
Tiếp Thị Gia Đình khuyên các bậc cha mẹ trong cách dạy con nghe lời như sau: Mỗi khi con làm gì sai, thay vì nóng giận và đánh đập con, bạn hãy nói chuyện cởi mở với trẻ, nhẹ nhàng chỉ bảo cho trẻ biết chúng đã làm gì sai và tại sao sai, cho phép đứa trẻ đặt câu hỏi để trẻ hiểu được mình cần làm gì. Làm như vậy vừa có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển ở trẻ vừa khiến con bạn “tâm phục khẩu phục” hơn đấy.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình