Thương hiệu thực phẩm hữu cơ và cuộc chiến chống thực phẩm bẩn

Trong thị trường bát nháo thực phẩm bẩn như hiện nay, sự phát triển của các thương hiệu thực phẩm hữu cơ là rất cần thiết với nhu cầu người tiêu dùng

Chiến dịch chống thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đang sôi sục trong những ngày gần đây, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trong bối cảnh này, không ít cá nhân hoang mang: Vậy ai, ở đâu sẽ sản xuất thực phẩm sạch, an toàn?

Để trả lời câu hỏi đó, phóng viên Tiếp Thị Gia Đình đã tiếp cận chủ các nông trại thực phẩm hữu cơ hay còn gọi là thực phẩm organic đang sốt trong giới chị em nội trợ hiện đại. Xem nông trại là niềm đam mê khởi nghiệp và hết mình với tâm niệm “cùng chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn”, các bạn ấy đã chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình về quá trình “sống sót”.

THƯƠNG HIỆU THỰC PHẨM HỮU CƠ V – ORGANIC

thuong hieu thuc pham huu co hinh anh 1

Thương hiệu thực phẩm hữu cơ V–Organic của cô gái trẻ Thùy Linh

Phóng viên Tiếp Thị Gia Đình gặp chị Nguyễn Thùy Linh, bà chủ 8X của thương hiệu thực phẩm hữu cơ V–Organic giữa một chiều Hà Nội trở gió. Linh vừa trở về sau chuyến vào Sài Gòn để tìm hiểu thêm mô hình nông trại hữu cơ, dự án mà chị đang đeo đuổi hai năm nay.

Chị nói: “Khi còn trẻ, tôi nghĩ thành công đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền. Tôi có một căn nhà nhỏ, gia đình êm ấm và công việc tốt ở Singapore sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Lẽ ra mọi việc sẽ phát triển theo hướng ấy, cho đến một ngày bác sỹ thông báo bố tôi bệnh ung thư gan, giai đoạn muộn. Tôi sụp đổ, rồi quyết lên mạng Internet để tìm hiểu về bệnh này. Qua đó, tôi biết rằng sử dụng những thực phẩm không hóa chất sẽ giúp cơ thể giảm bớt nguy cơ nhiễm độc và tăng khả năng chống chọi bệnh.

thuong hieu thuc pham huu co hinh anh 2

Tôi chợt nghĩ: “Sao mình không làm cho sản phẩm hữu cơ được biết đến nhiều hơn, dễ tiếp cận và sử dụng rộng rãi hơn?”. Thế là tôi bắt tay vào dự án sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ để truyền thông điệp: “Hãy đầu tư cho sức khỏe bằng cách chọn sản phẩm hữu cơ, giảm tối thiểu lượng hóa chất đưa vào cơ thể. Đó chính là cách đầu tư thông minh nhất bạn có thể làm ngay bây giờ cho chính mình và người thân, thay vì đợi đến lúc có bệnh rồi mua thuốc hay thực phẩm chức năng đắt tiền”.

Một người cô của Linh có trang trại rộng 7ha tại Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) từ hơn 10 năm nay. Linh đã cùng cô cải tạo lại để trồng rau, nuôi gà, thả cá thuận tự nhiên, không hóa chất và không dùng giống biến đổi gien. Thùy Linh nhớ những ngày cô dầm trong mưa rét trên trang trại, rồi tìm nhân viên, xây dựng website, thành lập cửa hàng V–Organic tại khu đô thị Gamuda Gardens.

Lần đầu tiên thu hoạch, lấy lá chuối gói những bó rau hữu cơ giao tới khách hàng, Linh hồi hộp muốn khóc. Niềm hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu vì Linh nhận ra buổi sáng, rau thu hoạch rất tươi nhưng đến trưa là nhìn rất “thảm”. Linh phải học cách bảo quản, vận chuyển sao cho rau củ, thịt cá giữ độ tươi để sản phẩm đến tay khách hàng ngon và đẹp nhất có thể.

CHUỖI THỰC PHẨM HỮU CƠ CLEVERFOOD

thuong hieu thuc pham huu co hinh anh 3

Chị Ngọc San trong hành trình đi tìm kiếm thực phẩm sạch

Giữa thời buổi thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, thực phẩm hữu cơ luôn là mặt hàng “hot”, “cao giá”. Song những người trẻ dấn thân vào “con đường hữu cơ” đều khẳng định con đường này vất vả, ít lợi nhuận và rất rủi ro.

Năm 2013, anh Hà Minh Đức cùng vợ bắt tay vào sản xuất thực phẩm hữu cơ và gây dựng thương hiệu thực phẩm hữu cơ CleverFood. Vợ chồng anh Đức đã rong ruổi tới nhiều vùng miền để tìm nguồn cung cấp, có những lần đi đường núi, đến những vùng sâu, cả buổi sáng mà không gặp một bóng người nào.

Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá thực phẩm hữu cơ nhưng khi làm việc với bà con nông dân, anh Đức chỉ thuyết phục họ sản xuất với triết lý dễ hiểu là trồng rau củ quả không hóa chất và gia cầm, lợn, cá… lớn lên từ tự nhiên thay vì nuôi bằng cám công nghiệp. Chính vì thuận theo tự nhiên như thế nên chuyện rủi ro là không thể tránh khỏi. Từ 10 cửa hàng CleverFood ra đời đã có 6 cửa hàng đóng cửa, di chuyển cửa hàng và đến nay chỉ còn 4.

thuong hieu thuc pham huu co hinh anh 4

Anh Hà Minh Đức chồng chị Ngọc San đi theo thuyền ra biển để mua thực phẩm sạch

Chị Nguyễn Ngọc San, vợ anh Đức, nhớ lại những thời điểm ngặt nghèo như khi chồng chị đang chạy, đi vay tiền để chuyển cửa hàng, chị lại nhập viện sinh em bé. Hoặc có lúc hai vợ chồng phải hủy các lô hàng không đạt chất lượng trị giá vài chục triệu đồng, thậm chí lúc cầm sổ đỏ, bán nhà chỉ để CleverFood tồn tại.

Đã có lúc anh Đức từng tự hỏi sao ở Việt Nam cứ 100 đơn vị làm thực phẩm sạch thì 80 sẽ chết ngay chỉ trong năm đầu. Sau 3 năm, chỉ còn 10. 10 đơn vị này làm ăn khá tốt, phát triển, và tự đào thải lẫn nhau. Thêm 2 năm, lại có 6–7 đơn vị đóng cửa. Có lẽ sau 5 năm, 100 đơn vị làm thực phẩm sạch chỉ còn 3–4. “CleverFood mới được 3 năm tuổi, muốn phát triển thì bên cạnh việc nâng cao chất lượng thực phẩm, kết hợp chặt chẽ với nông dân, tuần nào hai vợ chồng cũng đi học. Chồng học marketing, công nghệ sản xuất, bảo quản. Vợ học kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng”, anh Đức nói.

THỰC PHẨM SẠCH “CẤT CÁNH”

“Kết duyên” với thực phẩm hữu cơ, anh Đức thấy mình như đang trong trận chiến lâu dài với thực phẩm bẩn. Hiện nay, người dân đã bắt đầu ý thức chọn thực phẩm sạch, chấp nhận mua rau quả xấu để được ăn đồ sạch. Nhiều người còn cùng nhau làm trang trại nhỏ tự cung cấp thực phẩm trong gia đình, đây là tín hiệu tích cực về xu hướng thực phẩm hữu cơ sẽ có mặt trong từng gia đình.

Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, một vùng trồng rau hữu cơ lớn của miền Bắc

thuong hieu thuc pham huu co hinh anh 5

Rau hữu cơ Bái Thượng, Thanh Xuân, Hà Nội

Nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ Bái Thượng là nhóm đầu tiên sản xuất rau hữu cơ thành công. Để thành một vùng trồng rau rộng như hiện nay, bà con thôn Bá Thượng đã phải mất 3–4 năm nhọc nhằn. Anh Nguyễn Văn Bồng, Thành viên Ban chấp hành Hội nông dân xã Thanh Xuân, chính là “giảng viên nông dân” truyền dạy cho bà con nơi đây cách trồng rau hữu cơ. Cách đây sáu năm, anh Bồng vận động mãi mới có 8 người tham gia nhóm. Năm 2010 triển khai, vụ rau bị tổn thất nặng nề. Mãi sau này khi thuần thục hơn về kỹ thuật trồng mới càng có nhiều người ủng hộ anh.

Theo tài liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, từ 8–2013, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đã ban hành Quy trình kỹ thuật tạm thời về sản xuất rau hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc không sử dụng chất hóa học tổng hợp trong vật tư đầu vào. Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ, ngâm hoai mục. Tuyệt đối không sử dụng chất hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, các vật liệu biến đổi gien. Chuyển đổi từ vùng trồng rau thông thường sang vùng trồng rau hữu cơ kéo dài ít nhất 6 tháng nếu diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn hoặc VietGAP hoặc kéo dài 12 tháng nếu không có chứng nhận.

Để hiểu hơn về quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ, bạn có thể đến:

• Nông trại V–Organic: Vạn Phúc, H. Thanh Trì, TP. Hà Nội, website www.v-organic.vn, điện thoại 091 765 0497.
• Khu trồng rau hữu cơ Bái Thượng: Thanh Xuân, H. Sóc Sơn, TP. Hà Nội, website: rauthanhxuan.com.
• Thực phẩm hữu cơ CleverFood: Website: cleverfood.com.vn, điện thoại 096 224 3863

Bài: THU HÀ

Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua