Theo kết quả điều tra sơ bộ về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung do Bộ Tài nguyên − Môi trường công bố mới đây, hai yếu tố là độc tố hóa học và hiện tượng thủy triều đỏ được khoanh vùng. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và Hội nghề cá tỏ ra nghi ngờ với công bố trên.
Trong văn bản gửi Chính phủ ngày 28−4, Hội nghề cá bày tỏ quan điểm, giả thiết chất độc do con người gây ra là nguyên nhân cá chết hàng loạt tương đối có cơ sở. Cá chết do chất độc có nghĩa là toàn bộ sinh vật biển đã bị hủy diệt, người dân chỉ thấy các sinh vật cỡ lớn nổi trên mặt nước. Trong khi đó, giả thiết thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo nở hoa gây hại, với các biểu hiện đặc trưng như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt, nước biển có mùi hôi thối… nên bị loại trừ.
Hội nghề cá cũng đặt 3 câu hỏi cho cơ quan chức năng với những nội dung sau:
− Thứ nhất: Có bao nhiêu đường ống xả thải ra biển ở vùng biển Kỳ Anh, gồm cả đường ống công khai và do nhà máy tự làm có nước thải chưa qua xử lý?
− Thứ hai: Kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về nhà máy Formosa đã sử dụng bao nhiêu và dùng vào mục đích gì? Sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?
− Thứ ba: Kết quả phân tích chất độc của mẫu ở cuối nguồn các ống xả và kết quả phân tích chất độc lấy từ mang và dạ cá có đi đến kết luận cá chết vì chất độc không?
Cùng quan điểm với Hội nghề cá, rất nhiều nhà khoa học cũng bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ làm chết cá. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tề, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1: “Thủy triều đỏ chỉ có tác động trên mặt nước chứ không diễn ra ở tầng nước sâu”, trong khi cá chết tại các vùng biển bốn tỉnh Bắc Trung bộ chủ yếu là cá ở các tầng nước sâu. “Thêm nữa, giả sử như cá chết vì thủy triều đỏ thì cả vùng biển miền Trung phải ô nhiễm rất nặng thì tảo mới có thể phát triển và gây ra hiện tượng thủy triều đỏ được”, tiến sĩ Tề nói thêm.
Còn ông Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên − Môi trường cho rằng, nguyên nhân cá chết hàng loạt không phải là do thủy triều đỏ mà do cạn kiệt ô-xy ở tầng nước dưới, thường xảy ra khi chuyển mùa. “Thực tế, thủy triều đỏ chỉ có tác dụng trên mặt nước thôi. Thủy triều đỏ trên thế giới khiến các loài cá nước mặt chết nhiều. Nhưng thực tế thì ở vùng biển miền Trung cá mặt không chết nhiều”, ông Ca cho hay.
Trong khi chưa xác định được chính xác nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, Hội nghề cá cũng đã kiến nghị các bộ chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng thu gom cá chết để tiêu hủy, tránh tình trạng người dân tự gom cá đi bán hoặc chế biến thành thực phẩm.
Ngày 28−4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học chủ trì, khẩn trương làm rõ nguyên nhân, bảo đảm khách quan, khoa học.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình