Được biết, ông Nguyễn Ngọc Lực (xã Xuân Đông) đã nuôi đàn heo gồm 11 con tại nhà riêng. Qua kiểm tra, đoàn cán bộ thú y đã phát hiện đàn heo dương tính với chất cấm salbutamol, vốn là một chất tạo nạc. Đây là lần thứ ba hộ ông Lực bị phát hiện vi phạm nuôi heo nhiễm chất cấm.
Ông Nguyễn Ngọc Lực nói rằng do nhận thức quá đơn giản, bây giờ ông mới thấy hậu quả của vấn đề và xin chấp hành cùng với đoàn thanh tra tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm, đồng thời chịu các hình phạt hành chính và chi phí tiêu hủy theo quy định.
Cơ quan thú y địa phương phụ trách việc tiêu hủy đàn heo nhiễm chất cấm theo các tiêu chuẩn cụ thể như địa điểm tiêu hủy, quy trình tiêu hủy (tiêm thuốc an thần, kích điện và đốt).
Toàn bộ chi phí này chủ cơ sở vi phạm phải chi trả. Các bước tiêu huỷ được thực hiện như sau: Tiêm thuốc an thần cho 11 con heo chuẩn bị đưa đi tiêu hủy. Sau đó, lực lượng tiêu huỷ đưa đàn heo vào 2 xe vận chuyển nhỏ và chở đến nơi tiêu hủy là nghĩa trang xã Xuân Đông. Tại đây, lực lượng chuyên trách ném những con heo nhiễm chất cấm xuống một hố đất đã đào sẵn rồi chích điện, đốt bằng vỏ dừa trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, giới truyền thông và người dân.
Ông Nguyễn Văn Tiến, phó chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Đây là đàn heo đầu tiên trong cả nước bị tiêu hủy vì người nuôi đã sử dụng chất tạo nạc cấm trong quá trình chăn nuôi. Đây là một hình thức răn đe mạnh. Để đi đến quyết định này, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều và làm việc nhiều lần với địa phương cùng chủ trại chăn nuôi vi phạm. Việc xử lý hành vi dùng chất cấm trong chăn nuôi không còn đơn giản là phạt hành chính vài chục triệu đồng rồi cho bán heo nữa. Việc cố tình sử dụng và tái phạm của một số người dân sẽ phải chịu hậu quả là tiêu hủy cả đàn heo. Kể từ ngày 1–7, khi Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi chính thức có hiệu lực, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn có thể bị phạt tù”.
Được biết, chất tạo nạc có tác dụng làm heo nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Khi heo được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, nếu không bán nhanh, heo sẽ chết. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.
♦ Cách tránh mua phải thịt heo nhiễm chất cấm như chất tạo nạc
Heo nuôi bằng hóa chất tạo nạc có da mỏng. Khi heo còn sống, da có độ căng bất thường, như bị ứ nước bên trong.
Khi chọn mua thịt heo, bạn cần tránh chọn loại có lớp mỡ dưới da lỏng lẻo, mỏng, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi bạn thái, nếu khối thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng đây là thịt của heo được nuôi có sử dụng chất tạo nạc.
Ngoài ra, bạn cũng cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt heo nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Hạnh Thủy
Tiếp Thị Gia Đình